Cắt Nghĩa "Khủng Hoảng Tuổi..." (1)
Hôm qua thấy Youtube recommend một hai video tựa đề “khủng hoảng tuổi…”. Trong dấu ba chấm thường là 22 rồi 25 rồi 27, 30. Những mốc thời gian này mình đều đã đi qua. Nên cũng muốn chia sẻ lại cùng mọi người, mình cùng nhau nhìn lại những góc khuất của cuộc đời 😄.
Đầu tiên, tại sao có con số 22 ở đây? Bình thường nếu bạn học bậc đại học 4 năm thì 22 tuổi là khi bạn mới ra trường. Cái khủng hoảng tuổi 22 này muốn ám chỉ đến cột mốc khủng hoảng đầu đời sau khi ra trường. Một số trường có thời gian đào tạo dài hơn (vd. các trường Y) thì con số này sẽ dịch chuyển đi chút xíu, sang 24 hay 25.
Đối với mình, cho tới thời điểm này, mình đã đi qua tổng cộng 3 lần khủng hoảng. Cả ba đều đi kèm với 3 lần gap year của mình. Đúng vậy, lần gap year này chính là lần thứ 3. Nhưng thôi hãy tạm gác lần này qua một bên. Có dịp mình sẽ nói tiếp. Hôm nay, mình nói về lần khủng hoảng đầu đời.
Khủng hoảng đầu đời
Sau mười mấy năm ngồi mài đũng quần trên ghế nhà trường, lần đầu tiên bước vào thế giới bận rộn của những người đi làm, hẳn ai cũng đều bỡ ngỡ. Và nếu bạn như mình, học không có định hướng rõ ràng, thì khoảng thời gian này chắc sẽ thấy rất mông lung.
Đối với mình, 6 tháng đầu sau khi ra trường, mình rất enjoy cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, mình mới thực sự bắt đầu đi chơi. Nếu nói một cách thái quá thì tốt nghiệp là mốc thời gian mình giải thoát bản thân khỏi con đường học tập theo nghĩa đen. Đợt đó ở chung với một thằng bạn người Quảng Nôm. Hắn, mình, và một vài đứa bạn, lúc thì đi leo núi, lúc thì đi xe máy xuống Vũng Tàu chỗ đứa bạn chơi, lúc thì đi Long An, vui ơi là vui. Nhiều khi không hiểu sao 4 năm đại học mà không chịu xách xe đi đâu xa mà cứ cố định theo lịch của trường lớp như một cỗ máy. Hồi đó mình cũng hay lảng vảng mấy nhóm luyện nói tiếng Anh. Có một nhóm nọ toàn dân pờ-rồ IETLS, người bảy chấm người tám chấm. Tự dưng đâu trong đó lọt vô một hai đứa gà mờ như mình, còn chưa thi IELTS lần nào nữa, còn chưa biết cấu trúc IELTS speaking ra sao. Nói chung cũng tự ti chớ bộ, nhưng lúc đó mặt mình dày lắm. Mỗi lần nhóm tổ chức meetup là mình vác mặt theo. Đi riết rồi thành quen, từ “tự ti” trở thành… “tự thấy mình là phông nền hoàn hảo điểm xuyết cho các bạn”, ít ra cũng có giá trị nhất định.
Trong khi mình chill như vậy trong một thời gian dài, bạn bè của mình đứa thì làm việc chỗ này chỗ nọ, vọc công nghệ này công nghệ kia. Vì đám bạn hầu hết đều đi làm, nên cơ hội để mình đi chơi với bạn bè cũng dần ít đi. Thậm chí tệ hơn, khi tụi nó tụ tập lại thì nói đủ thứ trên trời dưới đất về công việc, đồng nghiệp, công ty.
Đây là lúc mình nhìn người khác, so sánh với bản thân, và bắt đầu tự đặt cho mình nhiều câu hỏi:
- “Mình đang làm gì thế này?”
- “Mình có thực sự bắt kịp với bạn bè hay không?”
- “Mình có đang lãng phí thời gian không?”.
Và câu hỏi chí mạng nhất lúc bấy giờ là
“Nếu giờ đi làm, mình sẽ làm gì đây?”
Câu hỏi trên là hệ quả của 4 năm “đại học”“học đại” không có định hướng. Trong suốt khoảng thời gian đại học, cái mình thiếu thực sự là một người mentor, một người có thể giúp mình nhìn nhận rõ hơn về vị trí mình đang đứng và vị trí mình nên đứng trong bức tranh cuộc đời của bản thân. Nói đúng hơn thì mình không ý thức được rằng mình cần một người mentor, nên không chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Mình có một ông anh ruột, cũng là kỹ sư phần mềm. Và trong giai đoạn mình mông lung về mọi thứ, ổng gợi ý cho mình thử về iOS. Và ổng cũng là người cho mình cái máy MacAir đầu đời. Lúc đó là 2014, sở hữu một chiếc MacAir cũng không phải là phổ biến. Thậm chí một số công ty còn ghi “Cấp Macbook để làm việc” trong phần mô tả công việc của tin tuyển dụng như một lợi ích để thu hút ứng viên. Đây là lúc mình bắt đầu có một mục tiêu rõ ràng hơn để tập trung vào, và bước dần ra khỏi giai đoạn khủng hoảng.
Dĩ nhiên hành trình bước ra khỏi điểm chạm đáy không phải là một đường thẳng. Không hề điêu ngoa khi mình nói rằng lúc bấy giờ mình bắt đầu từ con số không. Mặc dù theo con đường kỹ sư phần mềm nhưng mình không biết “platform” là gì, “framework” là gì, “git” là gì. Những gì mình còn nhớ trong đầu là dăm ba cái thuật toán mã hoá, rồi giao thức trao đổi khoá, rồi mấy cái ma trận nhân nhau ra những công thức lung linh (Giờ thì mình quên hết mấy cái đó rồi 😂).
Công ty đầu tiên (không chính thức)
Sau một thời gian ngắn học cấp tốc, mình thử xin việc. Mình có phỏng vấn ở một công ty outsourcing kia. Khi phỏng vấn thì mọi thứ đều suôn sẻ. Mình cảm thấy như thể người phỏng vấn chưa thực sự “ra tay” để khai thác điểm mạnh, điểm yếu của ứng viên. Mình được nhận vào công ty và sang tuần sau đó thì đi làm luôn, thời gian thử việc hình như là 1 hay 2 tháng gì đó.
Một hai ngày đầu tiên đi làm, mình được giao phó cho task nọ, report cho anh sếp nọ. Mình thực sự rất chật vật với cái task đó bởi một vài lý do. Đầu tiên, trước khi vào công ty này thì mình học Swift (lúc Swift mới vừa ra đời), còn khi vào làm công ty này thì dùng Objective-C. Bao nhiêu bỡ ngỡ trong công việc đều phơi bày ra hết. Dĩ nhiên, mình chỉ làm chậm hơn thôi chứ không tới mức không biết cái quẹo gì, vì cú pháp của 2 ngôn ngữ có sự tương đồng. Nhưng mình đã gặp ác mộng thực sự với cái gọi là “storyboard” (ai làm iOS thì sẽ biết). Storyboard quả thực là kẻ thù của mô hình làm việc cộng tác (collaborative work). Khi đã cố gắng hết sức, không thể tự lực cánh sinh được nữa, mình đã cầu cứu sự giúp đỡ của anh lead kia. Anh là một người hơn mình gần chục tuổi, và là một người có vẻ ít nói. Ở anh toát ra một tầng “chướng khí” đặc biệt. Cặp mắt một mí đằng sau đôi mắt kiếng không viền như thể sẵn sàng bổ đôi bạn ra nếu dám bước vào tầng chướng khí này. Bây giờ hồi tưởng lại, thấy mình trong công việc lắm lúc cũng giống ảnh thật.
Quay lại cái task kia. Ngày hôm đó, sau khi được ảnh chỉ, mình có nhiệm vụ tái hiện lại trên máy của mình và push code. Mình đã gặp quả đắng thứ hai: SVN. Công ty đó xài SVN, hay nói đúng hơn là công ty mướn công ty này outsource xài SVN. Và với SVN thì khi commit code có nghĩa là nó push code lên luôn. Vì mình đâu có biết SVN quẹo gì đâu, trước đó thì học cấp tốc git để đủ xài trong công việc. Nghĩ thầm trong bụng rằng 2 cái như nhau, mình quất svn commit
một phát, và thế là nó push luôn đống code lộn xộn chưa chỉnh sửa của mình lên. Sau một hồi loay hoay không biết chuyện gì đã xảy ra, cần phải sửa chữa như thế nào, mình quyết định cầu cứu anh lead một lần nữa 🥲… Sau khi nghe mình ấp úng giải thích, chữ hiểu chữ không, ảnh giải quyết xong hỏi một câu chí mạng: “Em không biết SVN hả?”. Bao nhiêu sự tự tin trong người mình đều vỡ vụn theo câu hỏi tu từ của anh và sự im lặng chết người của đôi bên. Mình thực sự nghi hoặc bản thân, nghĩ rằng mình là một trường hợp “lỗi tuyển dụng”. Giờ nghĩ lại mình mới thực sự cắt nghĩa những cảm giác tiêu cực đó là “imposter syndrome” (hội chứng kẻ mạo danh).
Sập tối chiều ngày hôm đó, khi một số đã khăn gói đi về, mình thấy vẫn còn rất nhiều người ở lại… OT (tức overtime - làm việc ngoài giờ). Mình thực sự không hiểu sao họ lại vui vẻ đến thế (giờ thì đã hiểu rồi). Trong lúc còn hoang mang, cố gắng tiếp nhận một nét văn hoá OT như vậy, đằng góc kia có một chị PM (thực ra là TPM thì đúng hơn) hoắc tay kêu mình qua. Chỉ tay lên màn hình LCD, chị bảo sao mình chưa update cái progress làm việc vào cái sheet nọ. Nhắc nhở mình, chị có vẻ hơi cáu, không biết bị ai chọc, hay chính mình là người ấy… Cuối ngày hôm đó, mình thực sự bị khủng hoảng về tinh thần. Chạy xe dọc đường Trường Sơn chỗ sân bay, mình kiềm không nổi, nước mắt một hàng dài chảy xuống. Đó mới chỉ là ngày làm việc thứ hai và mình không thể chịu đựng thêm nữa.
Sáng ngày hôm sau, việc đầu tiên mình làm khi lên công ty là nhắn tin Skype cho anh sếp phỏng vấn mình… để xin nghỉ. Anh gọi mình vào phòng hỏi thăm, và cũng trấn an mình rằng “anh thấy học lực em tốt nên tin chắc là mình sẽ thích nghi được thôi”. Nhưng điều này cũng không bù trừ ngày làm việc tồi tệ hôm qua nên mình vẫn không thay đổi quyết định. Lát sau thì chị nhân sự gọi lên hỏi và mình cũng bảo là không phù hợp với văn hoá công ty. Chị hỏi có thể cho chị 1 tuần để có thể tìm người thay thế hay không, và mình không đồng ý. Đầu giờ chiều ngày hôm đó, chị PM hôm qua nhắc nhở mình ping hỏi “Ủa hôm nay em nghỉ hả”. Chị động viên, chúc mình một hành trình mới tốt đẹp. Anh lead kia cũng ping hỏi thăm. Đây là lần đầu tiên mình thực sự thấy tầng chướng khí của anh đã tan mất. Chiều hôm đó, mình điền hồ sơ để kết thúc 3 ngày làm việc ngắn ngủi tại công ty. Trong form có một mục đề xuất để công ty cải thiện, mình có ghi rằng “Công ty nên có một kệ/giá sách để nhân viên đọc. Sáng nào em cũng đọc sách ở quầy cafe và cảm thấy mình thật lạc lõng. Nếu việc đọc trở thành văn hoá công ty thì sẽ tốt hơn”.
Sau lần làm việc ấy, mình quyết định không bao giờ làm công ty outsourcing nữa… Mình tu đạo (iOS) một thời gian, cho đến khi phỏng vấn đi làm công ty chính thức đầu tiên - Ticketbox. Lúc này mình đã hết khủng hoảng 🙂.
…
Nếu như có một lời khuyên nào dành cho các bạn độc giả mới ra trường và cũng đang mông lung về sự nghiệp như mình, đó sẽ là:
Cho dù gì đi nữa, đừng nghi hoặc khả năng bản thân.
Bạn không vô dụng như bạn nghĩ đâu.
…
Haha giờ ngẫm lại thấy tuổi 22 của mình thật mắc cười.
Còn bạn thì sao?