Chuyện Nghề: Bạn Có Đang Bế Tắc Trong Công Việc?

Có bạn nhắn tin hỏi lời khuyên của mình về việc nên hay không nên quyết định nghỉ việc khi không còn hứng thú nữa, trong bối cảnh tìm việc khó khăn như hiện tại. Mình cho rằng đây là một chủ đề thú vị nên muốn viết vài dòng suy nghĩ cá nhân về nó.

Mình là người đã đưa ra đáp án “nghỉ việc” cho trường hợp cụ thể của bản thân. Cho nên những gì mình chia sẻ có thể phần nào bị biased. Bạn đọc nếu đang trong tình trạng bế tắc như đã nêu thì nên hiểu rằng chia sẻ của mình chỉ mang tính tham khảo.

1 Đầu tiên, bạn hãy cảm thấy may mắn vì đã đặt ra câu hỏi này. Người ta nói bước đầu tiên trong giải quyết vấn đề là nhận thức được sự tồn tại của vấn đề. Trên thực tế, có rất nhiều người mắc kẹt trong guồng quay cuộc sống và không có cơ hội ngẫm nghĩ rằng mình có đang chán công việc hay không. Tệ hơn, một số không dám đặt ra câu hỏi đó vì họ không có lựa chọn khác, tự vấn bản thân lại càng đè thêm gánh nặng trong tâm trí. Một số khác thì không thể cắt nghĩa được cái chán của mình thực sự là chán cái gì và cũng không buồn ngẫm nghĩ. Chán đồng nghiệp hay chán tính chất công việc, chán sếp không giỏi hay chán định hướng của công ty, hay đơn giản chỉ là chán chế độ lương thưởng hiện tại :D.

Triết học có câu “sự thay đổi về lượng sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất”. Nếu bạn đang trăn trở với vấn đề này trong một thời gian dài, ắt hẳn sắp có một sự thay đổi nào sắp tới rồi. Mình mượn danh triết học để chúc mừng bạn sắp thay đổi (cho dù nó là tốt hay xấu đi chăng nữa 😅).

2 Thật ra chữ “bế tắc” đây nghe có vẻ hơi quá. Dùng một từ với sắc thái nghĩa nhẹ hơn thì chắc có lẽ là “mắc kẹt” đi. Có nhiều yếu tố khiến bạn mắc kẹt trong công việc.

Đó là khi bạn làm những tasks khó nằm ngoài khả năng. Việc không deliver được kết quả như mong đợi, trong một gian, khiến bạn mắc kẹt trong suy nghĩ rằng mình là một người không có năng lực.

Đó là khi bạn làm đi làm lại một công việc ngày này qua tháng nọ. Hết một quý, bạn nhìn lại và chỉ thấy những việc mình làm đều là “những tasks không tên”, tức là những việc vặt, không có impacts lớn lao.

Đó là khi bạn làm việc đơn độc. Việc không có người cộng tác khiến bản thân trói buộc trong khả năng của hiện tại và thiếu cơ hội học hỏi từ cộng sự. Cho dù deliver kết quả tốt, bạn vẫn thấy mình thiếu sự công nhận từ sếp và đồng nghiệp. Lắm lúc bạn cần có người để chia sẻ những lúc bạn nảy ra sáng kiến hay, thiếu một lời khen khi mình vừa refactor một đoạn code phức tạp.

Đó là khi bạn nhìn bạn bè xung quanh thấy ai ai cũng làm được nhiều thứ, và khi so sánh với bản thân, bạn nhận ra mình đang tụt lại ở phía sau. Việc bạn không đi nhanh bằng người khác khiến bạn chìm đắm trong áp lực đồng trang lứa (peer pressure). Rồi bạn lại hoài nghi về năng lực bản thân.

… Vân vân và mây mây…

Bạn cứ mãi mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực này.

3 Nhu cầu nghề nghiệp của một người làm công ăn lương như mình thay đổi theo thời gian.

Sau khi ra trường, mình mong muốn tìm được một nơi mà mình học hỏi được nhiều. Việc được trả lương thấp cũng không phải là một trở ngại lớn. Thật ra giờ nhìn lại, công ty đầu tiên mình làm trả lương ít thiệt :)). Nhưng bù lại, mình được là một phần của một team năng động, mình có tự do để quyết định công nghệ trong dự án. Thậm chí, cấu trúc ít phân cấp của một công ty nhỏ cũng là cơ hội để mình có tiếng nói hơn. Có lần họp công ty, mình mạnh dạn lên án chính sách mới của công ty khi trừ lương người đi làm trễ. Và ai nấy trong phòng họp đều vỗ tay kịch liệt, cảm giác thật yomost.

Sau gần một năm, mình cảm thấy thiếu cơ hội học hỏi khi làm một mình. Mình cần làm ở một team lớn hơn, mình cần một người mentor. Thế rồi mình nhảy việc qua Mistfit/Fossil. Đây là lúc mình có cơ hội học hỏi tốt. Mình có một chị sếp tuyệt vời, rất thông minh và làm việc một cách khoa học. Thật ra cách làm việc của mình hiện giờ chịu sự ảnh hưởng khá nhiều từ chị. Ở đây mình đã đạt được nguyện vọng cũ, vừa có mentor, vừa có team lớn hơn.

Khi những nhu cầu ban đầu đạt được thì sẽ phát sinh những nhu cầu mới. Mình muốn vào một team có văn hoá chuyên nghiệp và phù hợp hơn. Hai khía cạnh mà lúc bấy giờ mình tìm kiếm là văn hoá code review và văn hoá testing. Vì thế, mình nghỉ Misfit/Fossil… Trước khi nghỉ, ba anh em trong nhóm bạn thân ở công ty nói giỡn nhau là hẹn một năm sau sang Sing làm việc, nếu không thì từ mặt nhau. Sau một thời gian, cả ba anh em cuối cùng cũng sang Sing làm… chung team ở Grab 😎…

Thật ra sau khi nghỉ Misfit/Fossil, mình trải qua một giai đoạn khủng hoảng. Đó là giai đoạn gap year thứ hai của mình. Mình hoàn toàn mất phương hướng. Vài tháng đầu, mình cảm thấy bị cô lập. Mình nhớ team kinh khủng, nhớ những buổi ăn trưa chung với team, nhớ lúc đi uống cafe chung với anh Khánh, chị Giang, nhớ mấy lần ông Thuận, ông Nam qua report bug về cái goal tracking khi cả hai bên nhìn nhau với ánh mắt hàm ý “tui mợt lắm rồi nha”. Thời gian đó, mình ra quán cafe ngồi học cái này cái kia để không lãng phí thời gian. Mình học mấy course liên quan tới machine learning cho vui. Và một cách tình cờ, mình cảm thấy bén duyên với chủ đề này. Trong một khoảng thời gian, mình đọc và làm theo mấy bài blog trên trang Machine Learning cơ bản của anh Tiệp, rồi đăng ký các khoá học về deep learning, xác suất thống kê của Havard/Standford/MIT. Mình đọc qua 1-2 cuốn về xác suất thống kê, deep learning, và lần đầu tiên trong đời mình thấy môn xác suất thống kê nó hay đến như vậy. Mình dẹp cái ý định sang Sing làm việc qua một bên, trong đầu nhen nhóm ý định đi học master về data science ở Úc. Mình research chuyện học master cũng một thời gian.

Nhưng có lẽ ở lần gap year đó, cái mình thiếu nhất chính là “thiếu… tiền” 😅. Bây giờ nhìn lại thấy không phải là cái gì quá to tát, nhưng hồi đó mình thấy đó là một rào cản lớn thực sự. Mình đã không đủ can đảm để đi tới cùng. Đây là lúc mình thấy mình chạm đáy nhất, khi mà cả hai dự định đều dang dở.

Mình chẳng thể nhớ nổi động lực gì khiến mình quay xe, trở lại với dự định ban đầu (tức qua Sing làm việc). Theo trí nhớ mang máng của mình thì khi cơ hội tới, mình quyết định rất nhanh, trong đầu suy nghĩ “đây là thời điểm vàng” để mình đi nước ngoài làm việc. Mình phỏng vấn một số công ty, rớt vài công ty, đậu 2 công ty. Và dĩ nhiên mình chọn Grab.

Nói vậy để mọi người thấy rằng gap year cũng lên bờ xuống ruộng chứ không phải chỉ có màu hồng như mọi người tưởng. Cái gì cũng phải đúng người, đúng việc, đúng thời điểm.

4 Mình hay bảo giữa 2 năm kinh nghiệm và 4 năm kinh nghiệm thì có sự khác biệt, nhưng giữa 4 năm và 6 năm thì không có sự khác biệt nhiều. Trong 2 năm đầu, bạn tìm kiếm một mentor. Bạn chú trọng vào kỹ năng làm việc cộng tác. Bạn muốn đặt mình vào trong một team có văn hoá thật phù hợp. Đến năm thứ 4, bạn nhận ra rằng đời không cho sẵn mỗi người một mentor bao giờ. Bạn nhận ra rằng kỹ năng làm việc độc lập mới là cái mình thiếu. Bạn cho rằng, người đến người đi, bản thân mình mới là nhân tố định hình văn hoá team. Bạn nhận ra rằng đã đến lúc mình trở thành một mentor cho những người khác…

Không phải ai cũng dễ dàng nhận ra bước thay đổi nhận thức này. Vì vậy, theo ý kiến cá nhân của mình, mốc thời gian 4-5 năm này, nhiều người sẽ gặp khó khăn khi chấp nhận sự thật rằng có những thứ ta kỳ vọng nhưng không kiểm soát được. Ví như, đôi khi, ta phải làm việc với những người hơi tào lao một chút. Cho dù bạn chuyển việc bao nhiêu lần, cũng sẽ gặp một hai người như vậy (cái tiêu chí về “tào lao” của bạn cũng thay đổi theo thời gian nữa mà). Đây là lúc bạn sàng lọc, điều chỉnh lại kỳ vọng của bản thân cho phù hợp với thực tế.

5 Không gặp những điều bất như ý không có nghĩa là bạn đang ổn. Bản thân sự ổn định đôi lúc cũng mang hàm nghĩa vấn đề. Bạn có sếp tốt, đồng nghiệp thân thiện, công việc ổn định. Nhưng cái suy nghĩ mình mắc kẹt vào vùng an toàn nó cũng đáng sợ y hệt trường hợp mình đang ở vùng nguy hiểm vậy. Bạn sợ rằng tuổi trẻ của mình cũng sẽ bị chôn vùi ở nơi đây.

Bạn biết không, mình đã có những suy nghĩ như vậy trước khi nghỉ Grab. Nói thì có nhiều người tưởng giỡn, nhưng thật ra mình có động lực mạnh mẽ ra quyết định nghỉ sau khi xem bộ phim Twenty Five - Twenty One. Mình thấy hoàn cảnh của bản thân sao giống với nhỏ lớp trưởng quá. Mọi thứ trông có vẻ suôn sẻ, nhưng mình cảm thấy cuộc sống của mình nó nhạt nhẽo quá đi. Mình bước qua mốc 30 tuổi một cách nhạt nhoà. Mình cần một cú huých, mình cần một sự thay đổi cho dù nó là tốt hay xấu. Nếu xét về cơ hội nghề nghiệp thì có lẽ mình đã chọn một bước đi kém khôn ngoan, nhưng nếu xét về trải nghiệm tuổi 3x thì đó lại là một điểm nhấn đặc biệt. Và mình vẫn luôn tin rằng, giống như lần gap year trước, ở cuối chặng đường gap year này là một viễn cảnh tươi đẹp.

Trước khi rời Sing, mình có cafe với một đứa em học khoá dưới ở đại học. Cậu chàng lúc đó đang làm data scientist ở một công ty nọ bên Sing, và đang có mong muốn nhảy việc. Cậu ấy bảo rằng phục mình vì dám gap year. Là bạn ấy thì sẽ không tự tin có thể giữ vững được kỹ năng nghề để đi làm lại sau gap year. Vài trường hợp khác cũng nói với mình như vậy… Mình cảm thấy rất tự hào vì làm những điều người ta không dám làm 😅. Và cũng cảm thấy may mắn vì sống sót được tới giờ mà không tiếc nuối với quyết định đó. Mình biết có rất nhiều người không đủ khả năng tài chính để gap year, hoặc đơn giản người ta có người phụ thuộc (vợ chồng con cái) nên không dàn xếp được… Mình có hai thứ quan trọng. Thứ nhất là tài chính sau 4 năm làm việc ở nước ngoài đủ để gap year. Thứ nhì là sự tự tin rằng sau khi gap year mình vẫn có nhiều cơ hội việc làm. Không biết lấy đâu ra sự tự tin này, nhưng nó là nhân tố quyết định cho việc gap year được bao lâu.

6 Quay trở lại trường hợp của cậu thanh niên đầu bài.

Không biết em đang ở đâu trên thang đo kinh nghiệm 2-4-6 năm, nhưng trước hết hãy giành thời gian cắt nghĩa được mình chán cái chi, lý do mình chán việc, và nhu cầu/kỳ vọng nghề nghiệp của bản thân là như thế nào. Một lời khuyên phổ quát dành cho những người đang “chán”, dù chán cái gì đi nữa, là hãy làm những thứ gì đó khác đi. Còn làm gì thì tuỳ theo hoàn cảnh của bản thân, ví dụ tài chính, năng lực cạnh tranh, sở thích, để ra quyết định.

  • Chán sếp, chán team… thì kiếm sếp khác, team khác, công ty khác.
  • Chán tính chất công việc thì… kiếm side project làm. Không có thì đổi công ty, công việc.
  • Chán làm thì… nghỉ đi chơi vài ngày, một tuần, một tháng. Chơi lớn luôn thì bắt chước anh gap một thời gian rồi đi làm lại.
  • Chán Việt Nam… thì làm nước ngoài. Dev Việt mình so với các nước khu vực thì giỏi lắm em ơi. Đừng tự ti vào bản thân. Tiếng Anh không phải là cái gì quá to tát đâu. Giao tiếp mức cơ bản là được rồi, từ từ qua rồi giỏi lên.
  • Chán tech thì… À, cái này anh không có kinh nghiệm. Nào làm được thì chỉ lại anh.

Cho dù em chọn gì, dù có chấp nhận chịu đựng sự chán chường hiện tại lâu thêm chút nữa, thì cuối cùng vẫn phải luôn nhớ một điều:

Phải luôn có niềm tin vào bản thân.

(và… kệ mịe lũ bạn xung quanh đang tiến về phía trước)