Chuyện Nghề: Một Xưởng Tàu Nọ (1)
Hôm ấy, một buổi chiều thứ sáu như thường lệ… Nắng dệt vàng ươm những cánh buồm lững thững trên mặt nước vùng vịnh. Có lẽ đã rất lâu rồi, mình mới có dịp ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh quen thuộc ấy một cách rõ ràng, nhưng không phải dưới ánh đèn phố thị lấp lánh, hay qua một bức tường trong suốt từ trên cao.
Đảo quốc Sư Tử hôm ấy bình yên đến lạ. Bên tai, không còn những tiếng “lạ” bắn liên thanh. Trên vai, chiếc ba lô đã nhẹ đi tám chín phần. Mình hít một hơi dài để cái không khí lạ lẫm này tràn ngập khắp khoang phổi, rồi thở ra thật chậm như để níu giữ những khoảnh khắc hiếm hoi này: “Đã xong rồi, you did a great job”.
…
Lúc đang viết những dòng này, mình đang ngồi tại một quán cafe ở Đà Nẵng, tận hưởng hương vị đậm đà thơm lừng của cafe Việt. Cái se lạnh đầu mùa, những cơn mưa phùn xen lẫn chút nắng 26 độ yếu ớt của thành phố biển như nhắc người ta rằng Tết đang đến thật gần. Thời gian trôi nhanh một cách lạ thường. Lạ như việc mình không còn nhận thông báo mỗi sáng lúc 9h, 9h30, và cuối tuần mỗi khi end-to-end server bị lỗi.
…
1 Hành trình comeback tại Singapore của mình bắt đầu vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa rồi. Chớp nhoáng đã 5 tháng, một khoảng thời gian không được dài cho lắm nếu ghi vào trong CV, nhưng cũng không quá ngắn ngủi để ta có thể cảm nhận được văn hoá, phong cách làm việc, và những vấn đề nổi cộm của công ty… Mình được offer một vị trí trong team làm về mobile infra, cụ thể là developer experience. Như mọi người có thể đoán khi đọc tiêu đề bài viết, đây là một công ty Tàu. Có lẽ dùng chữ “Tàu” ở đây mang chút sắc thái không được lịch sự cho lắm, nhưng nó lại lột tả được tính đặc trưng văn hoá, mà người ta hay gọi là “văn hoá Tàu”. Nên trong bài viết này, mình mạn phép dùng tạm chữ “Tàu” khi diễn giải ý liên quan đến khía cạnh văn hoá làm việc của công ty.
Đa số đội ngũ kỹ sư của công ty đều ở Trung Quốc. Văn phòng ở Singapore thì ít hơn về mặt số lượng, mà trong số đó đã bao gồm nhiều người đến từ đại lục. Nói vậy để thấy số lượng dev Trung chiếm áp đảo như thế nào trong công ty.
Team infra của mình gồm mấy chục người, chia ra thành vài squad nhỏ. Squad của mình có 7 người, gọi là developer experience, tức phụ trách những thứ liên quan đến trải nghiệm của developer, bao gồm CI/CD, developer tools và các giải pháp liên quan. Lúc mình mới join, tất cả thành viên trong squad ngoại trừ mình đều là người Trung Quốc. Mình còn nhớ, sau khi add mình vào nhóm chat, sếp infra ghi trên nhóm là “Let’s use English from now on”. Trước đó, mọi thứ từ tài liệu (docs) cho tới chat đều bằng tiếng Trung.
2 Là người không nói tiếng Trung duy nhất trong squad, đôi lúc mình cảm thấy có chút lỗ hổng giao tiếp, khi cả team bất chợt chuyển sang tiếng Trung giữa cuộc họp, nhất là khi ai đó không diễn đạt được ý bằng tiếng Anh. Ban đầu mình hơi bỡ ngỡ với điều này, khi người ta đột nhiên đổi ngôn ngữ mà không hề báo trước cho bạn biết để còn kịp bật subtitle. Những tưởng do chỉ mình mình là người Việt trong squad nên mới zậy. Nhưng hoá ra các squad khác, team khác, miễn dev Trung chiếm đa số, cũng gặp tình trạng tương tự 😆. Dần dần mọi người đều: “ôi, toai quen với điều đó rồi”. Cứ thấy tiếng “lạ” vang lên là tay tự động bật subtitle. Nhiều lúc mình chả buồn theo dõi vì hầu hết những cuộc thảo luận ấy đều không liên quan mấy tới dự án của mình, hoặc giả chăng có liên quan thì ý kiến của mình cũng chẳng quan trọng để ra quyết định :))… Cứ thế mình được tắm tiếng Trung ngày qua ngày, chỉ có điều, khác với các mẹo học ngoại ngữ hay quảng bá, trình tiếng Trung của mình không có tăng gì sất. Chỉ thấy nhức nhức cái đầu thôi.
3 Ai đã từng làm công ty Tàu hẳn sẽ đồng cảm với mình điều này. Nhiều lúc đồng nghiệp hoặc sếp bất thình lình gọi qua mà không hề xi nhan trước. Thời gian đầu mình thấy khó chịu vl, vì cảm giác giống như người ta không respect availability của mình vậy. Thiết nghĩ, thời gian của mình, đâu phải ai muốn xài thì cứ xài mà không cần xin phép, đúng hok? Nhỡ gọi qua lúc người ta đang ẻ thì sao. Chí ít, chỉ cần nhắn cho mình 1 tin là “Ê, tao cần gọi cho mày để blah blah” rồi gọi qua (bất kể là mình có đọc được hay chưa) thì vẫn thấy có đôi phần lịch sự hơn. Có lần, mình đang trong meeting với đồng nghiệp để thảo luận về một vấn đề nọ, và cần xin ý kiến sếp D. (thực ra sếp này là sếp của sếp). Đồng nghiệp của mình bảo “để tao gọi sếp D.”, và thế là hắn gọi sếp ngay lập tức. Mình nghĩ bụng “Ù ôi, muốn gọi sếp lúc nào thì gọi zị luôn hả”. Điều bất ngờ là cả sếp, khi bị gọi giữa chừng zậy, cũng cảm thấy bình thường. Quả thật, một sự vật, sự việc được cho là bình thường khi số đông cho rằng nó bình thường. Một thời gian, mình cũng chấp nhận điều này. Dĩ nhiên, chấp nhận không có nghĩa là khuyến khích. Cho nên khi muốn gọi ai, mình đều nhắn hỏi người ta kiểu “Do you have time for a quick call? I wanna ask about blah blah”. Hoặc giả tỉ trong trường hợp hiếm hoi, khẩn cấp mà mình gọi người ta thì mình luôn bắt đầu cuộc gọi bằng “Sorry for such a sudden call…” để họ có cảm giác được tôn trọng hơn. Gieo gì gặt nấy, nhờ vậy mà một số đồng nghiệp cũng có thói quen tương tự đối với mình: hỏi trước khi gọi, không hỏi thì bắt đầu bằng sorry.
Thật ra văn hoá gọi không xi nhan này có một điểm cộng là giảm thiểu thời gian giao tiếp cần thiết, thúc đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Tuy nhiên, có một hệ luỵ đằng sau việc bình thường hoá thói quen này. Đầu tiên, như đã đề cập, nó khiến người ta có cảm giác không được tôn trọng đối với thời gian biểu của mình. Có lẽ đối với người Á Đông, điều này vẫn phần nào chấp nhận được. Nhưng đối với người phương Tây, khi tự do cá nhân được đề cao hết thảy, thì đây có lẽ là một cú sốc văn hoá.
Một vấn đề thứ hai của thói quen giao tiếp này là thời gian biểu làm việc của mỗi người rất dễ bị xáo trộn. Nhiều lúc buổi sáng bảo “hôm nay tao sẽ làm việc A, B, C”, xong cả ngày hết người này gọi tới người kia gọi, có làm được quẹo gì đâu… Sự xáo trộn trong thời gian biểu của mỗi người dẫn đến sự xáo trộn trong tiến độ làm việc chung, mà cái kết cuối cùng thường là hai chữ ô-tê (OT).
Vì các quyết định được ra theo kiểu ad-hoc như vậy nên đôi lúc thiếu sự suy xét kĩ càng và không được track rõ ràng. Ví như nếu thảo luận qua tin nhắn hoặc email, sau này chỉ cần quăng link tới cái thread thảo luận đó là người ta có thể nắm được sơ bộ ngữ cảnh của vấn đề, tại sao quyết định nào đó được đưa ra và dựa trên cơ sở gì.
4 Dù phần đông kỹ sư ở Trung Quốc, tất cả đều làm remote vì công ty không có văn phòng chính thức bên bển (lý do pháp lý :D). Văn hoá “work hard” cộng với “làm remote” thực sự là một combo huỷ diệt đối với work-life balance. Lắm lúc trong meeting, mình thấy có người mặc áo ba lỗ, chứng tỏ đang làm việc ở nhà. Và khi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân trở nên mờ nhạt, con người ta thường có xu hướng hoặc lúc nào cũng work hoặc lúc nào cũng nghỉ ngơi, tuỳ vào workload. Vế đầu có vẻ ứng nghiệm với công ty mình hơn… Thật vậy, không còn quá lạ lẫm khi có người tag bạn sau 10g đêm hay vào cuối tuần. Bạn có trả lời hay không thì tuỳ, nhưng người ta (phần lớn là sếp 😅) tag thì vẫn cứ tag. Quy ra thời gian thực tế dành cho công việc cũng chẳng kém cạnh văn hoá 996 là mấy (tức 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày trong tuần)…
Sau khi xin nghỉ, sếp có bảo mình là thực ra sếp không kỳ vọng rằng member bên Singapore phải work hard như bên Trung Quốc. Mình nghe xong có chút lấn cấn nhẹ. Đâu thể nào mà trong team có 5 người làm hì hục, 2 người làm nhơi nhơi đâu đúng hok.
5 Squad của mình làm nhiều về CI/CD và tooling nên chủ yếu là code scripting. Riêng mình, trong 5 tháng vừa qua mình làm về end-to-end testing và chút xíu liên quan tới release management, CI/CD process. Thú thật từ lúc join công ty tới lúc nghỉ, số lần dùng Xcode để build iOS project của mình dùng năm ngón tay đếm vẫn còn thừa. Lúc đầu, mình rất vui khi biết rằng scripting bên này xài Python, bởi đây là ngôn ngữ yêu thích của mình. Đánh giá một cách trung thực, mình thấy bên này xài Python chưa thực sự đúng với tinh thần của nó. Kiểu như mọi người chỉ cần “make it work” mà không thực sự để tâm đến “make it work the right way”. Có lẽ nguyên nhân chủ yếu là do lỗ hổng kiến thức. Ví như những topic cơ bản như packaging và PYTHONPATH cũng có phần xa lạ với một số người.
6 Nếu được hỏi về điều mình muốn thay đổi nhất trong team thì chắc chắn đó là quy trình “code review”. Mỗi team, hay squad, sẽ thiết lập và vận hành quy trình này khác nhau, phần lớn tuỳ thuộc vào quyết định của sếp. Và không may thay, squad của mình không có code review. Với quy trình hiện tại, kỹ sư thay đổi code, submit merge request, rồi nhờ sếp approve và merge thay đổi đó. Ai vừa mới thay đổi gì trong codebase, có hợp lý hay không, nhiều khi mình cũng không biết được để góp ý. Có sếp mới biết được! Bởi chỉ có sếp mới merge được cơ mà! Mà sếp thì công việc đăng đăng đê đê nên cũng chỉ cưỡi ngựa xem code rồi merge thôi. Đây thực sự là “single point of failure”. Hơn nữa, sếp cũng chỉ quan tâm đến kết quả code có chạy được hok, chứ có quan tâm mấy đến các khía cạnh khác như chi phí bảo trì đâu (sếp có bảo trì code bao giờ, ha 😅). Điều này, vô hình trung khiến cho chất lượng dự án không được đảm bảo đúng với tầm quan trọng của nó.
…
Vì những nền tảng như thế này chưa thực sự vững chải, việc scale CI/CD infra để phục vụ cho 300+ kỹ sư mobile cho toàn công ty gặp không ít vấn đề. Thật ra dev bên các team features có nhiều cái không hài lòng với infra lắm. Nên nhiều lúc ăn chung, có người bức xúc gì đó, buột miệng nói “tụi infra” này “tụi infra” nọ… Đang ăn mà như có ai đó đang chọt lét. Ôi, nó nhột vô cùng 😆.
7 Nói đi thì cũng phải nói lại, mình nhận thấy có nhiều điểm tốt khi làm việc ở chỗ này, đặc biệt là ở team infra. Đầu tiên, mình học được cũng nhiều thứ, bài toán mình giải quyết cũng khá thú vị.
Thiết nghĩ, ở một nơi chưa có sự ổn định như vậy (theo đánh giá chủ quan của mình), có rất nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp và tạo dựng tầm ảnh hưởng.
Ngoài ra, sếp và đồng nghiệp của mình đều rất tử tế. Đồng nghiệp của mình rất nhiệt tình và luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau… Ngoài lề một chút, thật ra các Pháp Sư Trung Hoa có một năng lực đỉnh cao là hay có những sáng kiến hay trick lạ lùng, đôi khi khéo léo, mà đôi khi cũng hacky tàn bạo. Âu cũng là một thứ đáng để học hỏi :))
Có lẽ nếu đọc ở trên, bạn sẽ có cái nhìn hơi tiêu cực về những bạn dev nước láng giềng. Nhưng thực tâm mình nghĩ rằng đó chỉ là khác biệt văn hoá, còn tâm tính của họ đều tốt. Dĩ nhiên “ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có người khùng người điên”.
…
Nói chung, đây vẫn là một công ty tốt. Còn phù hợp hay không thì tuỳ theo tiêu chí của mỗi người. Mà tiêu chí của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian, tuỳ theo nhu cầu và thể trạng của bản thân ở giai đoạn đó. Lý tưởng nhất là “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”. Có lẽ trong trường hợp của mình, đúng người, đúng việc, nhưng chưa đúng thời điểm.