Flatland (Vùng đất phẳng)

Link: https://www.youtube.com/watch?v=eyuNrm4VK2w

Đây là một bộ phim hoạt hình dựa trên tiểu thuyết “Flatland: A Romance of Many Dimensions” của Edwin Abbot. Bộ phim này về mặt kỹ xảo thì không có gì đáng kể (nếu không muốn nói là hơi xấu), nhưng cái lôi cuốn người xem chính là cái ý tưởng độc đáo của phim. Đúng ra thì lời khen này nên dành tặng cho Abbot, tác giả cuốn sách.

[1] Bộ phim lấy bối cảnh một vương quốc, là một vùng đất phẳng (mặt phẳng – theo thuật ngữ Toán học). Những công dân của vương quốc là những đối tượng hình học phẳng như: hình vuông, hình lục giác, hình tam giác, hình tròn

Bộ phim kể về hành trình nhận thức của một anh chàng “hình vuông” (gọi là A-Square) khi biết và chấp nhận sự tồn tại của “không gian ba chiều”. Lúc bấy giờ “chiều thứ 3” của không gian được xem là điều cấm kỵ trong vương quốc. Bất kỳ ai nhắc đến nó đều được xem là “kẻ ngoại đạo” và phải bị thanh trừng.

[2] Tuy là một thế giới gồm các đối tượng toán học nhưng nó mô tả rất chân thực xã hội của con người. Từ những cuộc chiến tranh giữa các vương quốc, cho đến những định kiến và rào cản trong việc chấp nhận một tư tưởng mới.

[3] Một tình tiết trong bộ phim mà mình cho rằng đắt giá nhất chính là lúc A-Square nghĩ đến “không gian 4 chiều”. Tư tưởng này bị A-Sphere (hình cầu) xem là một suy nghĩ vớ vẩn vì chẳng có chiều thứ 4 nào cả. (A-Sphere là 1 công dân của 1 vương quốc 3D đã giúp A-Square nhận thức được chiều thứ 3 của không gian). Điều này cho thấy, ngay cả những hiểu biết am tường nhất đều có thể bị thách thức. Ranh giới giữa cái “vô lý“ và cái “vượt xa thời đại” đôi lúc cũng trở nên mập mờ.

[4] Mình nhớ năm lớp 12, thầy Thanh Dũng có chia sẻ cho lớp một ví dụ giống như câu chuyện trên:

– Giả sử có một điểm nằm trên 1 mặt phẳng và bị vây kín bởi 1 đường tròn (tức điểm này nằm bên trong đường tròn). Điểm này không có cách nào đi từ trong ra ngoài đường tròn hoặc ngược lại. Nhưng chúng ta, người sống trong không gian 3 chiều, có thể di chuyển ngón tay từ trong ra ngoài một cách dễ dàng và ngược lại.

– Tương tự, một người (sống trong không gian 3D) không thể chui vào hoặc thoát ra khỏi một cái lồng kín. Nhưng một người sống trong không gian 4D có thể làm được điều đó. Có thể biến mất và xuất hiện dễ như thở.

Thầy kết thúc câu chuyện như vậy như thể cung cấp một gợi ý để từng đứa chiêm nghiệm theo cách riêng của mình.

[6] Mặc dù coi lại lần 2 rồi nhưng vẫn thấy thích… Phần kết bộ phim có chút khó hiểu nhẹ @@.