Hiệu ứng mồi (Priming effect)
Alisa: “Chuột nào đi bằng 2 chân?”
Bernard: “Chuột Mickey”
Alisa: “Vịt nào đi bằng 2 chân?”
Bernard: “Vịt Donald”
Thực tế thì tất cả những con vịt đều đi bằng 2 chân. Vậy đều gì đã khiến cho Bernard đưa ra đáp án sai cho một câu hỏi bình thường như vậy. Hiệu ứng mồi (priming effect) chính là câu trả lời.
Hiệu ứng mồi (priming effect) là một hiệu ứng tâm lý diễn ra trong não bộ con người, khi kết quả hành động của một người bị ảnh hưởng bởi một vài thông tin người đó tiếp nhận được trước đó. Trong ví dụ trên, Bernard sau khi trả lời đúng câu hỏi thứ nhất, vẫn còn lưu giữ mảnh thông tin liên quan đến chuột Mickey. Điều này khiến câu trả lời cho câu hỏi tiếp theo có xu hướng liên quan đến thông tin vừa nhận được. Cụ thể, khi trả lời câu hỏi thứ nhất, hình ảnh chú chuột Mickey xuất hiện trong đầu bạn một cách ngẫu nhiên, sống động. Thậm chí, sự liên tưởng còn khiến bạn nghĩ đến Disneyland, có Công chúa, Hoàng tử, Tinkerbell, lâu đài… Việc liên tưởng này thúc đẩy câu trả lời thứ 2 có liên quan đến Disneyland. Do đó, sẽ không ngạc nhiên nếu vịt Donald xuất hiện đầu tiên trong đầu của bạn.
Đã có nhiều thí nghiệm được thực hiện để kiểm chứng hiệu ứng tâm lý này.
Thập niên 80, những nhà tâm lý học đã phát hiện ra 1 điều thú vị. Nếu một người trước đó thấy từ “EAT” (ăn) hoặc được xem những hình ảnh về đồ ăn, thức uống… thì khi được giao cho câu đố điền vào chỗ trống “SO_P”, nhiều người cho ra kết quả là “SOUP” (canh) hơn là “SOAP” (xà phòng). Ngược lại, những người trước đó thấy từ “WASH” hoặc các hình ảnh về dầu gội đầu, phòng tắm… sẽ có xu hướng cho ra kết quả là “SOAP”, hơn là “SOUP”.
Một thí nghiệm khác, người ta yêu cầu những người tham gia nghe thông điệp bằng một đôi tai nghe mới và cho biết mục đích của thí nghiệm này là thử chất lượng của thiết bị âm thanh. Những người tham gia được yêu cầu ra hiệu bằng cách sử dụng đầu mỗi khi nghe thấy bất cứ âm thanh méo nào. Một nửa số người tham gia được yêu cầu gật đầu lên xuống, số còn lại được yêu cầu lắc qua lắc lại. Thông điệp mà họ nghe thấy là một bản tin trên đài phát thanh. Những người gật đầu có xu hướng chấp nhận thông điệp mà họ nghe thấy, nhưng những người lắc đầu có xu hướng bác bỏ thông tin”.
Một vài ví dụ
- Bạn thấy vài đứa bạn đi Singapore qua những tấm hình post trên facebook. Sau đó, có một người bạn rủ bạn đi du lịch và Singapore nảy ra trước tiên trong đầu bạn.
- Sau khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn, bạn hay có cảm giác buồn buồn.
- Bạn định lì xì cho 1 đứa trẻ. Trước đó, đứa trẻ này đã được một người khác lì xì 50.000 đồng. Bạn có xu hướng lì xì với số tiền lớn hơn hoặc bằng 50.000 đồng.
- Bạn thấy người khác ngáp. Sau đó, bạn cũng cảm thấy hơi buồn ngủ.
- Bạn thấy người khác cười vì một lời nói đùa, bạn cũng cười theo mà vẫn chưa kịp hiểu ý nghĩa của lời nói đùa đó.
- Bạn nhìn vào một bức tranh xấu tệ, sau đó nhìn vào một bức tranh bình thường khác và thấy nó đẹp hơn so với trường hợp không nhìn vào bức tranh xấu kia.
- …
Priming effect ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào
Não bộ luôn tiếp nhận thông tin từ môi trường bên ngoài, kể cả việc đó không phải chủ đích của chúng ta. Do đó, mọi thứ xung quanh đều có thể ảnh hưởng đến chúng ta, với những mức độ khác nhau. Những thứ quen thuộc hơn đem lại tần suất tương tác với chúng ta nhiều hơn, nên có ảnh hưởng nhiều hơn những thứ khác. Bạn có nghĩ rằng:
- Nên đổi màn hình điện thoại, màn hình máy tính thành một hình nào đó giúp bạn kích thích sự sáng tạo?
- Hay đặt những cuốn sách về Productivity tại góc làm việc?
Lời kết
Priming effect nói rằng hành động của bạn đang có sự chi phối của những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy. Tuy chỉ là micro-effect nhưng nó lại hiện hữu rất thường xuyên xung quanh chúng ta. Tôi rất tâm đắc hiệu ứng này bởi vì nó chỉ ra rằng “mọi thứ đều có ý nghĩa của nó”… Chúng ta và môi trường xung quanh, có biết bao nhiêu sợi dây liên kết các sự vật, sự việc với nhau. Hầu hết trong số chúng đều vô hình. Có lẽ đó là một sai sót của Chúa Trời khi tạo ra thế giới đầy những thứ bất định (uncertain) như vậy. Nhưng theo tôi, đó lại là sự hoàn hảo nhất.
Tham khảo