Tản mạn: Chuyện thuyết trình
1 Suốt 2 cấp học cơ sở: tiểu học và trung học, tôi chưa hề có một ý niệm nào về thuật ngữ “thuyết trình”. Hầu hết các bài giảng của các thầy cô mang nặng tính ghi chép. Dĩ nhiên đối với những môn Toán, Lý, Hóa… thì điều đó bình thường, thấy vẫn không trở ngại lắm. Nhưng mấy môn Sử, Địa… thì tôi thấy chán ngán vì phải chép những thứ trong SGK đã có, theo văn phong của người khác.
2 Bước vào cấp 3 là lúc tôi lần đầu tiên biết đến hình thức dạy-học này. Các bài giảng môn Sinh học, Lịch sử, Địa lý (nói chung là các môn xã hội) đều được giảng dạy theo hình thức chiếu slide. Tôi rất thích điều này, nhưng chủ yếu là vì tụi tôi không phải chép bài. Và thầy cô cũng không dò bài, một công cụ gây căng thẳng đầu giờ mà các thầy cô cấp 2 trường tôi rất ưa chuộng.
3 Tụi học sinh cũng được giao làm bài thuyết trình nhóm. Mỗi nhóm có khoảng 4-5 đứa. Một học kỳ sẽ có 1-2 đợt thuyết trình, tùy vào mỗi môn. Có một điều bất hạnh là tôi hay chung nhóm với mấy đứa lười, thích chơi games. (Giờ thì các bạn ấy cày dữ lắm, còn tôi thì chuyển sang thái cực lười biếng). Nhưng thú thật là việc ở trong một nhóm như vậy cũng khiến tôi thích thú, vì tôi có nhiều cơ hội hơn để “toả sáng”. Tôi tha hồ thiết kế bài thuyết trình theo ý tôi.
4 Ngoài việc có dấu răng của tôi ở từng slide, thì việc làm việc tập thể đậm tính chất cá nhân này còn khiến cho tiến độ nhanh hơn. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng làm việc nhóm thì có nhiều nguồn lực hơn, nhưng nếu không biết cách khai thác thì cái chi phí cho việc quản lý nó còn đắt đỏ hơn ấy. Dân developers tụi tôi thường hay đùa kháo với nhau rằng: nếu một task X đưa cho một thằng dev làm 1 giờ đồng hồ xong, thì đưa task đó cho một nhóm 5 người sẽ mất 5 tiếng mới xong. Tạm gọi là paradox of teamwork :)).
5 Về phong thái trình bày thì tôi dở tệ, không ăn nói lưu loát, tự tin như lũ bạn. Nhưng về kỹ năng soạn slides, nếu tự chấm điểm thì tôi sẽ cho tôi ở mức lân cận tốt. Thực tế là tôi rất chăm chút về hình thức trình bày slides. Nó không những phải hay mà còn phải đẹp, để toát lên vẻ chuyên nghiệp :)).
Slides thuyết trình không đơn giản chỉ là đưa mấy nội dung trong sách lên powerpoint. Làm vậy chẳng có tâm chút nào. Đôi lúc tụi tôi nhận được một đề tài thuyết trình mà trong SGK, nó chỉ được đề cập trong một mục (1-2 đoạn). Tụi tôi phải tìm cách mở rộng ra, thêm các phần so sánh - đánh giá, như thể nó phải xứng đáng cả chương sách.
Việc tìm tư liệu cho bài thuyết trình rất quan trọng. Tư liệu phải dồi dào và gồm nhiều loại, từ text tới hình ảnh và clips… Tuy nhiên, thời đó nhà tôi chỉ có cái máy bàn, mà không có internet. Nên tôi phải ra tiệm net để tìm tư liệu. Thông thường tôi dành khoảng 1-2 tiếng ngoài quán để download hết tư liệu cần thiết, rồi mới về nhà trình bày nội dung, bố cục bài thuyết trình. Còn nhớ hồi đó có cái USB vài ba GB; mỗi lần ra quán net, việc đầu tiên làm là cắm USB vào, rồi cài IDM (Internet Download Manager - bản cracked); đôi lúc có cài thêm Opera nữa :))…
Giờ thấy mấy bạn trẻ có điều kiện hơn rất nhiều. Internet everywhere. Tư liệu cũng dồi dào, tiếng Anh của các bạn cũng giỏi hơn, nên ắt hẳn phải kiếm được nhiều tư liệu hay hơn. Dĩ nhiên, điều đó cũng đi đôi với một số tác dụng phụ như: gây xao nhãng, mắc công chọn lựa…
…
Phụ lục: Vài nguyên tắc thiết kế slides của bản thân, trình bày dưới dạng nên và không nên.
-
❌ Xài font Times New Roman: Đây là font chữ mặc định, rất phổ biến. Nói chung những font chữ có chân như thế này giúp việc đọc dễ dàng hơn. Tuy nhiên xét về tính chất thẩm mỹ thì tôi thấy nó không phù hợp với slide thuyết trình. (Sự khó chịu tương tự đến với tôi khi tôi xem 1 trang web với font chữ này :D). Cá nhân tôi nghĩ nó phù hợp hơn cho các ấn phẩm giấy hơn.
-
❌ Text quá dài (>= 3 dòng cho một gạch đầu dòng): tôi sẽ cố gắng tách 1 đoạn đó ra thành nhiều ý, mỗi ý là một gạch đầu dòng. Như vậy thì người nghe sẽ dễ theo dõi hơn. Họ là người nghe, chứ không phải người đọc! Trường hợp mà tôi đã cố gắng rồi mà text vẫn dài, thì bạn có thể giúp người nghe đỡ mệt hơn bằng cách highlight các keywords.
-
✅ Sử dụng hình ảnh minh họa. Là một visual learner, tôi luôn cố gắng minh họa một keyword hay một ý nào đó bằng hình ảnh. Để nhất quán phong cách thẩm mỹ của slides, tôi cố gắng chỉ dùng hoặc là hình clipart hoặc là hình chụp. Cá nhân tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi phong cách của các video TED-Ed, nên tôi chủ yếu dùng hình clipart, một phần vì nhìn nó vui nhộn, một phần vì nhìn nó có vẻ sáng tạo :D.
-
✅ Sử dụng câu hỏi. Điều này đem lại hiệu quả khá tốt trong việc dẫn dắt ý, khiến cho bài thuyết trình trở nên mạch lạc hơn. Tôi gọi những slides có chứa câu hỏi như thế này là các pha chuyển ý. Ví dụ, nếu bạn thuyết trình về chủ đề nóng lên toàn cầu (global warming); bạn đang nói về các dấu hiệu của hiện tượng này trên khắp các châu lục và sắp sửa chuyển sang ảnh hưởng của nó; thì bạn có thể dành một slide cho câu hỏi kiểu như thế này: “I see… But what’s the big deal?”.
-
✅ Highlight keywords. Có nhiều cách để làm nổi bật từ khóa. Có thể dùng màu sắc, cũng có thể dùng cỡ chữ (font size), hoặc độ đậm của chữ (bold/semibold/thin…).