Tản mạn: Chuyện Tiếng Anh (p1)
Một ngày đẹp trời (thật ra trời không đẹp cho lắm, mà đẹp cũng không ai ngắm), lướt FB, coi youtube thấy tràn ngập những chia sẻ, bình luận về một vụ việc làm dậy sóng cộng đồng IELTS. Sự việc, tuy đọc vào thấy kì khôi thiệt, nhưng cũng chẳng ảnh hưởng nhiều tới mình… Duy có điều là, tự dưng thấy người ta quan tâm nhiều, kế tự ngẫm nghĩ về cái sự học tiếng Anh của bản thân, kế thấy hơi chột dạ chút xíu. Chột dạ là thiệt, chứ không phải khoe ngầm nha. Nhân chuyện người ta bàn chuyện IELTS, mình xin tản mạn xíu về chuyện tiếng Anh xíu, nhưng không liên quan lắm tới chủ đề hot hot kia. Nên ai muốn đọc tin về trend kia, thì bạn có thể dừng lại ở đây.
…
1 Với tâm trạng phấn khởi của một đứa học sinh mới vừa đậu trường chuyên, mình cứ mãi học Toán trong học kỳ đầu, với hy vọng thoát khỏi đáy lớp, vươn tầm bản thân. Mấy môn khác thì mình cứ theo cách học hồi cấp 2 mà triển, tức là Lý & Hoá thì cũng học sơ sơ, còn lại thì cứ “hành sự tại thiên”. Mình theo lối học ấy, cho tới khi thi học kỳ một xong. Đó là lần đầu tiên trong đời mình có môn bị điểm kiểm tra dưới trung bình: Anh văn. Nếu mình nhớ không nhầm thì điểm của mình lúc ấy là 3.1 / 10 (hay là tầm đâu đó, nhưng không có trên 3.5). Sau đợt đó, mình dẹp hết mấy cái ý tưởng liên quan đến thi học sinh giỏi và học đội tuyển này nọ. Chỉ cầu trời vái phật cho sống sót qua 3 năm cấp ba ở trường và thi đậu đại học. Sang đến học kỳ 2 thì mình bắt đầu cày lấy lại gốc gác tiếng Anh… Nhưng thật buồn là đến mấy năm sau nữa thì vốn liếng tiếng Anh của mình cũng không khác gì nhiều so với thời gian cày bừa này.
Nói ra có lẽ vài người bảo mình xào xạo, ra vẻ, nhưng thực sự là mình cảm thấy hơi xấu hổ chút xíu vì bạn bè cấp 3 của mình toàn siêu sao. Đứa thì tiếng Anh quất bụp bụp, đứa thì mở trung tâm Anh ngữ, đứa thì dạy Nhật ngữ… Bởi có nhiều người nhìn vào PTNK thấy có quá trời người giỏi, xong ngầm mặc định mình cũng giỏi. Điều này khiến mình cảm thấy rất khó chịu. Trong nồi lẩu có miếng thịt thì cũng có cộng rau chớ.
2 Khoảng thời gian đại học là thời gian mà mình cảm thấy phí phạm nhất. Phải cắt nghĩa một chút cho các bạn không hiểu lầm. Phí phạm ở đây không phải là thật phí khi học đại học, mà có nghĩa là mình đã không tận dụng thời gian để học và trau dồi bản thân mà để nó trôi qua quá nhanh. Nếu có bạn nào đang học đại học mà tình cờ đọc được post này thì mình khuyên là:
- Ở đại học, bạn chơi thoải mái, trải nghiệm thoải mái, tán gái cua trai thoải mái… nhưng đừng quên học. Học ở đây là làm sao sau khi ra trường bạn tích luỹ được thứ gì đó.
Mình thì cứ tiếc nùi nụi là hồi đại học không lo trau dồi ngoại ngữ. Đáng nhẽ ra bây giờ, khi gần 30 tuổi 😞 người ta phải dành thời gian cho những thứ trên mức “tiêu chuẩn thông thường”, thì mình lại phải lọ mọ để “đạt tiêu chuẩn”.
3 Mình qua Sing làm được 2 năm rồi. Tiếng Anh có phần khấm khá hơn, nhưng không đáng kể. Nếu bạn nào tiếng Anh mức trung bình khá và nghĩ rằng “qua đây làm để nâng cao tiếng Anh” (tức là phó mặc hoàn toàn cho môi trường sống) thì mình nghĩ bạn nên suy nghĩ lại một chút. Khi đi làm mới thấy có đủ thứ phải học, có mớ thứ phải quan tâm, tới mức mình thấy 24h một ngày là hơi ít. Mình còn muốn học tiếng Hoa nữa, để giao tiếp dễ dàng với người bản địa. Nhưng tiếng Anh vẫn chưa ra ngô ra khoai, còn công việc thì cứ chồng chất 😞. Là kỹ sư, ngoài Anh ngữ, mình còn phải học Xà ngữ (Python), Ngọc ngữ (Ruby) nữa… (Python, Ruby là các ngôn ngữ lập trình - programming languages). Và khi làm nhiều, thấy stressed, bạn bắt đầu nhận ra bạn phải dành một chút ít thời gian trong ngày/tuần để relax, để không bị burned out. Cho nên quỹ thời gian (tự) học của bạn sẽ giảm bớt chút nữa. Vì vậy cho nên, nếu bạn trang bị được cái gì trước thì hãy trang bị đi…
4 Trong một ngày làm việc của mình thì thời gian nói tiếng Anh trong team kể ra chưa tới 1 tiếng đồng hồ nữa. Mà tiếng Anh của tụi developers thì cũng xoay quanh nhiêu đó thứ.
Là một developer, mình rất đồng tình với ý kiến “tiếng Anh chỉ là công cụ”. Nhưng việc có một công cụ tốt, hiệu quả là cực kỳ quan trọng. Không giỏi tiếng Anh thì cũng không sao, nhưng giỏi tiếng Anh thì bạn sẽ thành “sao”. Hơn nữa, mình cho rẳng suy nghĩ “vừa đủ là ok rồi” có phần nào hơi thiển cận. Đồng ý là bạn còn nhiều mối bận tâm khác, nhưng mình nghĩ nên nhận thức rõ là vừa đủ ở hiện tại hay vừa đủ cho tương lai. Ví dụ như với công việc thường ngày của mình, thì tiếng Anh cũng tạm đủ xài đó. Đi họp (meeting) cũng biết người ta nói gì, cũng nói cho người ta biết ý của mình. Nhưng bảo mình đi thuyết trình, sharing này nọ thì thật là tội cho người nghe.
5 Nhiều lần coi youtube, thấy anh nọ chị kia nói tiếng Anh lưu loát quá. Xem phần tự bạch thì thấy người từng học NUS, người từng làm ở Sing, chẳng hạn. Xong mình nghĩ, ủa mình cũng đang làm ở Sing nè, mà tiếng Anh sao như hạch vẫy. So sánh vậy để thấy cái suy nghĩ rằng tiếng Anh của người ta giỏi vì người ta làm ở nước ngoài là không chính xác lắm. Dù môi trường tốt sao đi nữa thì cái cốt lõi vẫn là, mình phải học.
…
Ờ, thì mình đang than trời than đất đó. Than cho mấy người vô tư lự nghe để tỉnh lại chút. Than cho bạn bè mà tiếng Anh dở như mình (hoặc dở hơn) nghe để take action.