Tạp luận: tìm vs. kiếm
Năm 2 Đại học, tui có học môn Cơ sở trí tuệ nhân tạo. Buổi học đầu tiên, thầy giáo có nêu ra một câu hỏi như sau: “tìm và kiếm khác nhau như thế nào?”. Sự thật là không có ai trong số lũ sinh viên tụi tui trả lời câu hỏi đó. Có thể có đứa biết câu trả lời hay ít nhất có một nhận định nào đó, còn tui thì mặt thộn ra, giống như khi bị hỏi về định nghĩa của những khái niệm trừu tượng kiểu như: “tình yêu là gì?”, “ý thức là gì?”.
Ở đây, thuật ngữ tiếng Anh tương ứng của “tìm” và “kiếm” là “find” và “search”. Sự phiên dịch thuật ngữ này mang tính cá nhân, nhưng cốt yếu là tui muốn so sánh sự khác nhau giữa find và search.
Một số ý kiến về sự khác nhau như sau:
- Search: ta không biết trước liệu đối tượng đó có tồn tại hay không (trong một phạm vi không gian – thời gian nào đó). Find: ta biết trước về sự tồn tại của đối tượng.
- VD: Search: kiếm người yêu, kiếm trẻ lạc. Mình không biết được đứa trẻ bị lạc đang ở trong quận/huyện này hay không.
- VD: Find: tìm lại cuốn sách Harry Potter mà bạn đã cất trên kệ sách. Mình biết chắc chắn là nó có trên kệ sách, nhưng không nhớ nó nằm ở vị trí nào.
- Search: ta không có một đối tượng mẫu, ta chỉ có các tiêu chí. Find: ta có hẳn một đối tượng mẫu.
- VD: Search: tìm ra những người trong lớp học có chiều cao trên 1m70.
- VD: Find: tìm ra thằng Nguyễn Nhật Nam, MSSV: 101010.
- Search: kết quả là một danh sách (list) các đối tượng. Find: kết quả trả về thường là một đối tượng nhất định nào đó.
Ở đây tui không định đưa ra một đáp án chính xác nhất cho câu hỏi này? Mà chỉ muốn luận về các vấn đề linh tinh.
……
[1] Thực tế thì trong văn nói tiếng Việt người ta ít dùng từ “kiếm” mà thay vào đó dùng từ “tìm kiếm”. Sự thay thế này vô hình chung làm cho sự khác biệt giữa “tìm” và “kiếm” đã không rõ ràng, ngày càng không rõ ràng hơn. Thậm chí người ta còn lạm dụng từ “tìm kiếm” như một sự thay thế hoa mĩ về mặt ngôn từ cho cả 2 thuật ngữ “tìm” và “kiếm”.
[2] Sự khác nhau giữa 2 khái niệm nào đó được nhận thức thông qua tư duy của con người. Tuy nhiên tư duy là một đối tượng trừu tượng. Để nhận thức được, nó phải được thể hiện thông qua một hình thái nào đó. Và ngôn ngữ chính là hình thái phổ biến nhất của tư duy. (Ngôn ngữ ở đây được hiểu là tập hợp những ký hiệu, chữ cái, câu từ mà khi ghép lại nhau chúng thể hiện một ý nghĩa nào đó). Chằng hạn, để người khác hiểu được bài toán (vấn đề) mà mình gặp phải, ta thường hay diễn đạt bài toán (vấn đề) đó thông qua lời nói hoặc chữ viết.
Do đó sự lấp liếm trong ngôn ngữ cũng dẫn đến sự lấp liếm trong tư duy. Đây là lý do tại sao những tài liệu khoa học người ta thường dùng từ với độ chuẩn xác cao, ít từ nhập nhằng, tối nghĩa.
[3] Vì đặc thù ngôn ngữ của các quốc gia khác nhau nên mức độ chính xác của việc diễn tả một khái niệm trong các ngôn ngữ cũng khác nhau. Chẳng hạn trong tiếng Việt người ta có thể ghép từ “tìm” và “kiếm” thành từ “tìm kiếm”, nhưng trong tiếng Anh người ta không thể ghép từ “find” và “search” lại thành từ “find search” hay “search find”. Nhìn rộng hơn, ta thấy rằng các ngôn ngữ không đồng nhất trong việc diễn tả khái niệm, và do đó cũng không đồng nhất trong việc mô tả tư duy con người. Sự phiên dịch giữa các ngôn ngữ, về mặt bản chất, không phải là một song ánh (hay chưa chắc thể hiện sự tương đương). Do đó, nỗ lực phiên dịch sang các ngôn ngữ khác có thể kèm theo sự mất mát hoặc thay đổi thông tin. Đây cũng là lý do vì sao người ta khuyên nên đọc sách nguyên bản thay vị đọc sách dịch.
Thấy bắt đầu nói xàm rồi…