Vài dòng về cuốn sổ

Chúng ta thường hay được khuyên rằng nên có 1 cuốn sổ ghi chú bên mình phòng khi có 1 ý tưởng rồ dại nào chợt đến. Tôi cũng đã theo lời khuyên ấy, cũng có cuốn sổ của riêng mình, mà thật ra là nhiều cuốn sổ.

Tôi là một người chuộng ghi chép. Thậm chí tôi ghi chép cả những câu đùa của người khác… Nếu ai đã từng mượn tập giải tích B2 của tôi ắt hẳn vẫn còn bắt gặp mấy câu nói bất hủ của thầy Viêm: “abc là con gà, xyz là con chó, không thể so sánh gà – chó với nhau được”. Hay có nhiều lúc tôi đọc sách có gì khó hiểu tôi cũng lấy bút dánh dấu hỏi kèm theo mấy cụm từ như: “kỳ vậy ta?”, “hok hiểu gì hết trời!”.

Kể từ khi học xong AYP, tôi sắm cho mình một cuốn sổ kế hoạch tuần. Kèm theo đó là 1 cuốn khác gọi là “nhật ký”. Tôi lưu giữ trong đó nhiều thứ, ngay cả những quan sát nhỏ nhặt nhất. Đôi khi chỉ ngắn gọn, xúc tích như: “Hôm nay chạy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nghe mùi cỏ mới cắt thơm ngạt ngào, làm mình nhớ đến quê nhà”… Đôi khi lại dài lê thê như nghe ai đó than thở, kể chuyện đời. Rồi cuốn sổ cũng đầy. Tôi đi nhà sách săn tìm những cuốn mới. Thú thật là việc có trong tay những cuốn sổ nằm vừa lòng bàn tay hay những cuốn có giấy màu ngả vàng nhìn cổ cổ… mang lại cho tôi một niềm hưng phấn lạ lùng.

Thật ra kỹ năng ghi chú là một đề tài được thiên hạ khai thác khá lâu và hiệu quả. Hệ quả, hiện nay đã có rất nhiều thể loại ghi chú, nhiều thiết bị, phần mềm giúp cho người sử dụng có thể ghi chú dễ dàng, tiện dụng. Nhưng đối với tôi, ghi chú theo cách cổ điển, với 1 cuốn sổ ghi chú vẫn đem lại những trải nghiệm khác biệt. Nhìn những dòng chữ nghuệch ngoạt, khoảng cách dòng, viết nghiêng, dọc, vẽ vời… Style của mỗi người vẫn là duy nhất!

[Một chút luận]

Tại sao chúng ta cần một cuốn sổ? Có một thực tế là: trí nhớ con người đều có giới hạn. Quên là bản năng của con người để nhớ được nhiều thứ khác quan trọng hơn. Nên ta đều cần 1 phụ tá, nhắc nhở những gì ta đã quên. Sổ ghi chú được sinh ra đúng với mục đích như vậy.

Sổ, nói 1 cách ví von, còn là một một người bạn, luôn sẵn sàng lắng nghe vô điểu kiện. Không luận bàn, phán xét cho dù những gì được ghi vào nó là những tội lỗi xấu xa. Những lúc gặp những khó khăn trong cuộc sống, con người ta hay có nhiều chuyện muốn giải bày. Có người tìm đến bạn bè tâm sự. Có người tìm đến nơi nào đó xả stress. Nhưng cũng có người chỉ cần tìm đến bất kể cái gì để cho con chữ có thể mặc sức lăn xả.

Nhưng bạn biết không? Không phải cái nào đã viết ra giấy đều sẽ được đọc lại. Tôi cho rằng trong số những những thứ tạp nham chúng ta ghi chú lại, có những thông tin thực sự cần được ghi nhớ, cũng có những thông tin được ghi ra chỉ bởi vì chúng ta ham muốn nhiều thông tin hơn mà thôi!