Chuyện Nghề: Áp Lực là Hàm sin Theo Thời Gian (1)

Áp lực là hàm sin theo thời gian

1 Nhiều lần bạn bè, người thân hỏi tui “làm bển cực hông?”. Tui không ngần ngại đáp “cực, cực hơn ở Việt Nam nhiều”. Thật ra trả lời vậy có phần không thoả đáng vì ngữ cảnh so sánh hơi khập khiễng. Nhưng nó phần nào phản ánh mức độ áp lực ở công ty nớ (bên Sing) so với các công ty cũ của tui ở VN. Trong chuỗi các bài viết chuyện nghề, tui sẽ dần dần viết lại cho các bạn thấy những điều gì góp phần hình thành nên suy nghĩ trên.

Có nhiều yếu tố tạo nên áp lực trong công việc. Nó có thể đến từ tính chất công việc, từ đồng nghiệp, từ sếp… Nhiều mẫu chuyện khác về chủ đề áp lực sẽ được đề cập trong những bài viết sau. Nhưng chung quy lại là áp lực lúc nhiều lúc ít theo thời gian. Nhiều lúc ta nghĩ rằng mình đang ở đỉnh điểm của áp lực và không thể nào chịu đựng thêm chút nào nữa. Nhưng khi qua rồi, sau này nhìn lại sẽ thấy nó không là cái đinh gì so với những áp lực mình đang đối mặt ở hiện tại. Và cứ thế lặp lại. Có những cột mốc mà bạn cần để ý vì khi đó áp lực có thể tăng cao hơn so với bình thường, chẳng hạn như: cuối quý, cuối năm, thăng chức (promotion), thay đổi vai trò (role), thay đổi sếp, thay đổi đồng nghiệp.

Tuần đầu tiên ở Grab Singapore

2Chiều hôm đó, sau khi gặp gỡ team lần đầu, tui có buổi 1-on-1 với sếp. Trong buổi 1-on-1 đó, sau một số giới thiệu sơ lược thì sếp nêu rõ kỳ vọng của mình đối với tui. Mấy ý râu ria thì tui không nhớ, nhưng tui nhớ là “Trong tuần đầu tiên, có pull request (PR), và tham gia code review. Trong một vài tuần đầu thì sẽ tìm hiểu codebase liên quan đến những chức năng chính A, B, C trong dự án”.

Cho những ai chưa biết thì pull request (PR) là hình thức thực hiện thay đổi mã nguồn của dự án. Pull request cho thấy kỹ sư muốn thay đổi những gì trong dự án, vd. thêm/xoá/sửa dòng nào đó của 1 file. Những thay đổi này được các thành viên khác review, đóng góp ý kiến, yêu cầu chỉnh sửa nếu cần. Nếu mọi thứ ok thì người review sẽ chấp thuận (approve) thay đổi. Khi được merged thì những thay đổi trên sẽ có hiệu lực.

Nói thiệt là bữa đó 1-on-1 xong là tui ngộp liền. Tui không nghĩ rằng mình sẽ phải cảm nhận áp lực rõ rệt ngay từ ngày đầu làm việc. Xưa giờ ở VN quen kiểu vài tuần đầu chill chill, làm quen dần với công ty, với team, với dự án. Đặc biệt với các công ty lớn thì khoảng thời gian chill chill đó có thể lâu hơn bình thường. Ai dè bị thực tại đập cái chát vô mặt.

Tính là một tuần, nhưng trừ ngày hôm đó và cuối tuần ra thì chỉ còn 4 ngày làm việc chứ mấy. Trong 4 ngày mà làm quá trời, để đẻ ra được cái pull request thì phải đi mò đục codebase để hiểu, rồi làm cho nó chạy. Chưa kể cái codebase dự án lúc đó cũng hơi “hỗ lốn”, không có docs tổng hợp. Cái tui có duy nhất là anh chàng buddy người Đài Loan để trợ giúp trong 1 vài tuần đầu. Mà nói thiệt là hình thức “làm buddy” ở team nó chưa có format rõ ràng. Thành thử việc bạn bơi nhanh hay chậm trong thời gian đầu nó cũng hên xui may rủi, phụ thuộc nhiều vào vũ trụ lắm.

Vì cần có 1 cái task làm cho tuần đầu nên trong buổi team standup sau đó, tui chọn đại một cái task kia, là đi điều tra (investigate) và sửa (fix) một lỗi “memory leak” nọ. Mà phàm ở đời, những task nào có chữ “investigate” trong đó đều là những task không hề đơn giản. Mấy ngày đầu tui lọ mọ đi investigate issue, vừa làm vừa hỏi buddy của mình. Hỏi dữ quá nên buddy tự debug giùm luôn 😂.

Ngồi phía bên trái tui là một bạn kỹ sư người Nga. Anh này cứng cựa nhất team, và hình như cũng lớn tuổi nhất team 🤔. Mọi thứ đều ok, chỉ có điều ổng nhìn khá là “lạnh”, người cứ như toả ra cái khí sắc “đừng làm phiền”, nhìn vừa nể vừa sợ… Quay lại cái issue khi nãy, cái lúc buddy tui debug ra nguyên nhân, qua hội ý với anh người Nga này (dĩ nhiên lúc đó có tui kế bên). Ảnh nghe xong kế vỗ nhẹ vai buddy, khen “Good job!”. Tui kế bên thấy chạnh lòng kinh khủng 😢… Vì tui đảm đương cái task đó nên submit cái pull request để sửa lỗi. Cảm giác cứ như nhờ người khác đi thi hộ. Đã vậy, lúc sếp vào review pull request, hỏi 1 câu hỏi chí mạng “Tại sao cái thay đổi này lại fix được issue?”. Tui còn chưa hiểu được tí xíu gì về project, sao giải thích chi tiết được, nên lại lần nữa cầu cứu buddy. Mặc cảm tội lỗi đầy người!

Tóm lại, tui đã rất kém khôn ngoan khi chọn cái task này để bắt đầu. Cứ nghĩ nó không liên quan đến business logic thì bắt đầu dễ hơn. Ai dè phải đào mò quá trời trong cái chức năng phức tạp và cốt lõi nhất của dự án… Sếp ơi, buddy ơi, các đồng nghiệp thương mến ơi, tại sao các bạn không cản lúc tui chọn cái task này hả!!!

Tui chưa bao giờ coi cái task trên là task đầu tiên của mình cả.

Pull request đầu tiên (không phải cái trên)

3 Ở team tui có một cái văn hoá ngầm là code review dằn mặt ma mới. Đây là dịp để những người mới cảm nhận cái sense về best practices trong team. Vì vậy nên pull request đầu của tui (không phải cái trên nha) cũng được cả team “săn sóc” rất chu đáo. Tui không nghĩ là sẽ nhận nhiều comments thảo luận đến như vậy. Trong số những comments thảo luận đó, có những comments mang tính sát thương cao, ví dụ như: “Ủa cái này là gì zạ?”, “Khi nào dùng cái này mà không dùng cái kia?” hay “Tại sao cái này nó fix được cái kia?”. Những loạt comments này chuyên thử thách mức hiểu biết của bạn và tốn rất nhiều chất xám để giải thích. Sếp mình hồi đó review code rất hay hỏi những câu hỏi chí mạng này các bạn ạ 😆.

Về chủ đề code review, sau này tui sẽ còn đề cập lại.

4 Về sau, có vẻ như kỳ vọng của sếp đối với người mới đã được điều chỉnh. Có nhiều người mới vào nhưng cũng phải đến tuần thứ 2 hay 3 mới thấy có pull request đầu tiên. Nói chung là chill hơn. Bởi vậy những người làm lâu trong team tui thường hay nói với mấy bạn mới kiểu “giờ sướng chứ hồi xưa tụi tao làm cái này cực lắm…”. Câu này nghe quen hông quý zị, nghe ba mẹ nói hoài kế giờ đi nói với đồng nghiệp.

1-2 tuần đầu tiên tui làm việc ngoài giờ rất nhiều. Một phần vì bị ám ảnh bởi cái kỳ vọng cao của sếp, một phần vì trước đó nghỉ cả năm trời nên “cảm giác code” vẫn chưa quay về, làm cái gì cũng thấy chậm hơn bình thường. Cứ đi làm về là vội ăn uống, tắm rửa, rồi ngồi lên máy làm tiếp tới tận khuya. Cực thì cực thiệt, nhưng giờ nhìn lại tui thấy vui vì lúc ấy mình đã nỗ lực, và cũng may là còn sức lực để nỗ lực.

Tui có một may mắn là lúc mới sang Sing đã có sẵn bạn bè nên không gặp khó khăn lắm trong việc hoà nhập với cuộc sống mới. Lúc qua tui cũng có sẵn chỗ ở (tạm) nên không cần phải lo nghĩ gì nhiều, chỉ cần phải tập trung nắm bắt công việc mới mà thôi. Nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người khi mới qua bển chưa có bạn, chưa có chỗ ở, lạ nước lạ cái đủ điều. Hẳn là bạn sẽ thấy rất khó khăn. Nói vậy không phải để hù doạ gì, mà để bạn sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý, giúp bản thân vượt qua đỉnh điểm áp lực một cách tốt hơn.

Nếu bạn đang cảm thấy rất áp lực trong công việc, hãy nhớ rằng bạn đang dần quen với nó và sắp thoát khỏi đỉnh điểm áp lực, đi vào vùng cực tiểu của đồ thị hàm sin… Rồi sau đó bạn lại đi vào một miền áp lực mới 😂. Ủa alo!


Đón chờ các bài viết nối tiếp nha :)