Tản mạn: Chuyện Tiếng Anh (p2)
Ở post lần trước, mình có tản mạn sương sương với mọi người về chuyện học tiếng Anh. Trong bài viết lần này mình sẽ nói chút xíu về tiếng Anh sử dụng trong cuộc sống của mình ở Sing.
1 Lúc mình mới qua, mình hơi bối rối với tiếng Anh của người Sing. Vì chưa quen accent bên này nên đôi lúc không biết người ta đang nói tiếng Anh hay tiếng Hoa. Bởi vậy nhiều lúc ban đầu não phải tốn thêm vài giây xử lý thông tin để biết cô dì chú bác đang nói thứ tiếng gì. Nếu là tiếng Hoa thì mình sẽ bảo “Sorry, I don’t speak Chinese” kèm theo một nụ cười đầy thiện cảm như quà hối lộ cho yêu cầu “cô/dì/chú/bác nói tiếng Anh giùm con với”.
Có lần, lúc mới qua, đi gọi đồ ăn ở mấy food court (khu ăn uống), mình đến hàng kia gọi món fish soup (tạm dịch là canh cá, nhưng hổng giống cách ăn canh ở Việt Nam):
- “Can I have sliced fish soup, please?”
- “Bee hoon?”
- “Hmmm… Sorry, I can’t speak Chinese”
Ông bác trơ ra mấy giây, xong kêu thằng con ra nhận order. Mình thấy thế tưởng là lão không nói tiếng Anh được thiệt. Thằng con, trạc đâu cũng tuổi mình hoặc nhỏ hơn, ra hỏi lại “Rice or bee hoon?”. Mình trong đầu thầm nghĩ “bee hoon là cái giống gì mà cứ nói hoài vậy?”, cứ “Sorry?” cho người ta nhắc lại, mà vẫn không hiểu. Cái làm mình bối rối nhất là không biết là hắn đang nói tiếng gì. Nếu mà nó nói đủ câu chút, kiểu “Do you want rice or bee hoon?” thì mình còn biết là nó nói tiếng Anh, xong chọn “rice” (cơm) cho nó phẻ, khỏi làm khổ nhau như vầy. Cuối cùng nó chỉ tay vào chén cơm, nói “rice”, xong chỉ qua rổ bún nói “bee hoon”, xong chốt với câu hỏi “which one?” như thể nó không chắc mình có hiểu là phải chọn một trong hai không. Sau khi mình chọn xong, nó quay trở vào bếp mần order, 2 cha con hắn cười nói xầm xì gì đó. Lần này thì mình chắc chắn họ nói tiếng Hoa, và đang nói về cái người đang đứng ngây ra, sượng sùng muốn úp mặt xuống đất cho đỡ nhục, chính là mình… Haiz, mình học được từ “bee hoon” qua cái trải nghiệm quê xệ vậy đó. À, nói sơ về “bee hoon”, cái chữ này xuất phát từ tiếng Hokkien (Phúc Kiến), là một dialect (tiếng địa phương) của tiếng Bông. Còn nhiều chữ khác trong món ăn cũng xuất phát từ tiếng Bông (mình ghi tiếng Bông nói chung, chứ không biết dialect gì) như “kway teow” (đọc là “quay-teo”, chỉ cái sợi phở, sợi mì quảng), “mee” (là mì ak), “chee cheong fun” (đọc là “chi-chon-phưn”, chỉ cái giống bánh cuốn VN).
Nếu bạn đi order cà phê ở mấy cái quầy nước (drink stall) trong food court, thì cũng phải lận lưng thêm mấy công thức order nữa như:
- Kopi peng: cà phê sữa đá
- Kopi peng tabao: cà phê sữa đá mang đi
- Kopi O kosong peng: cà phê đen đá, không đường
2 Ở bên này, người ta hay nói kiểu cụt lủn như ông bác kia vậy ak. Chẳng hạn, nếu ông tài xế Grab hỏi bạn là chỗ này quẹo trái ra được không thì thay vì hỏi “Can we turn left here?”, ổng hay nói kiểu “Turn left here” xong quất chữ “Can?” cuối câu.
Tài xế thấy mình để tên tiếng Việt, xong hỏi mình từ đâu thì hỏi “You’re from where?” thay vì “Where are you from?”. Nhiều lúc thấy người ta nói lược bỏ chủ ngữ, động từ to be, làm cho câu như sai ngữ pháp, vd như:
- “This food, really nice” (dịch ra: “món này ghon ghê”)
- “You go where?” (dịch ra: “mày đi đâu đó?”)
Còn một cụm mình nghe rất rất thường xuyên là “no need” (dịch ra: “không cần đâu”). Ví dụ: “Do you need a bag?” - “No need.”. Bạn mình nói là cụm này xài phổ biến không chỉ ở Sing. Nhưng mà mình nghe nó kì kì, nghe như thể đang nói tiếng bồi, dịch theo thứ tự như “dog your eat shoe my” (tức là: “con chó của mày cắn giày của tao”) ak 😂.
Ban đầu mình thấy cái lối nói zầy nó hơi sỗ sàng, cục súc một chút. Nhưng sau một thời gian thì mình thấy nó cũng bình thường. Với những đoạn hội thoại phục vụ mục đích mua bán như trên thì người ta chỉ quan tâm đến việc truyền đạt đủ thông tin trong thời gian cho phép. Nhưng mà hổng biết nếu mà mình dùng kiểu nói vậy dùng ở mấy nước khác thì có bị cho là bất nhã không :).
3 Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến ở Sing, cũng có nhiều người không nói được tiếng Anh, chủ yếu là những người lớn tuổi. Mới hôm bữa mình đi siêu thị phía bên kia đường để mua đồ nấu ăn cho cả tuần (giai đoạn này thì mình chỉ đi chợ 1 lần/tuần, và đó cũng là lần duy nhất mình bước chân ra khỏi nhà). Mình bước vào thang máy, một tay cầm bịch nào là thịt gà, cá, sườn heo, tay kia thì rau rác, củ quả, nước nôi. Bà cụ thấy mình 2 tay lỉnh kỉnh đồ ăn, nhìn với ánh mắt dò xét rồi hỏi gì đó bằng tiếng Hoa. Mình bảo “Sorry, I cannot speak Chinese”, bụng đoán chắc bà cụ hỏi “mày đi chợ cho bao nhiêu ngày thế”. Thường sau khi mình tung ra câu thần chú trên là người ta chuyển sang tiếng Anh liền. Nhưng bà cụ lại nói hay hỏi thêm câu gì đó, cũng bằng tiếng Hoa. Lần này thì mình đoán chắc rằng bà hỏi mình đến từ đâu, người nước nào, nhưng không biết trả lời sao nên chỉ biết cười trừ. Thấy mình cười trừ, bà lão lầm bầm gì đó. Mình lại cười trừ và mong cái thang máy tăng tốc lên cho mình đỡ xấu hổ. Mình xách 3 bịch ny lon mà cứ tưởng xách cả tạ cục quê.
4 Về chủng tộc, ở Sing phần đông là người gốc Hoa, sau đó là gốc Ấn. Tiếng Anh của mấy bạn Ấn thì cho đến giờ mình vẫn cảm thấy khó nghe vì mấy bạn đá lưỡi nhiều quá. Dĩ nhiên không phải mình chê bai mấy bản gì đâu, vì dù gì accent cũng chỉ là một phần của ngôn ngữ, ngôn ngữ cũng chỉ là một phần của giao tiếp, giao tiếp cũng chỉ là một phần cuả công việc và cuộc sống. Còn về người Sing gốc Hoa, mình cảm thấy mấy bản nói nhanh hơn so với các bạn Tây. Một thời gian dài ban đầu, mình thấy mỗi lần nghe Singlish là ngộp liền, vì mấy bản, đặc biệt là lứa thanh niên, nói hơi nhanh :D. Có lần đi ăn beef steak ở Star Vista, vào order mà thanh niên bắn nguyên tràng nghe không ra (đại loại nó hỏi mức đồ nướng chín là gì? rare, medium rare, medium hay medium-well). Mấy lần sau tới ăn cũng căng tai ra nghe vậy ak, được vài vài lần thì hễ nghe chữ “sauce” là trả lời liền “pepper sauce”, kiểu vẫy. Chiêu cao tay hơn nữa là không cho nó có cơ hội hỏi luôn, hít hơi thật sâu, order nguyên tràng kiểu “Can I have Australian rib eye, 200 gram, medium rare, with french fries & onion rings, using with pepper sauce… and one lime juice, please?”. Và đừng quên nở một nụ cười đầy ẩn ý rằng “xin mày đừng hỏi lại, tao đọc cái câu kia muốn hụt hơi rồi”.
5 Về lối nói và cách phát âm của người Sing, ngoài cách nói “lười” đã kể trên, mình nhận thấy có một số điểm khác biệt (một cách riêng biệt) so với US/UK:
- Thường mấy từ có đuôi “-al” (đọc là “ô”), thì họ đọc trại thành giống như đuôi “-er” (đọc là “ơ”). Ví dụ: “physical” đọc là “phí-zít-kơ”, “cancel” đọc là “kén-xơ” (như cancer).
- Mấy chữ có phụ âm “t” người ta hay đọc rất ít âm gió, giống như âm “t” trong tiếng Việt. Ví dụ, “tell” đọc thành “teo” luôn 😂.
- Người ta hay chèn mấy chữ lah/leh/lor/meh vào câu để biểu đạt cảm xúc… Chi tiết từng chữ thì mình chẳng biết đâu :).
- Người ta hay dùng chữ “already” cuối câu, vd. “I did it already” (mình ít khi nghe kiểu “I already did it”).
Còn những cái khác, bạn thử xem mấy video trên youtube để biết nhé, như cái này chẳng hạn:
À, mình không phân biệt được accent của người Sing và Malay. Trong tech family có cậu QA kia người Malay, ban đầu mình tưởng là người Sing cơ. Chắc là do Sing và Malay chung gốc gác.
Một số bạn cực đoan trong việc phải có accent chuẩn, cho rằng là accent của người Sing không chuẩn. Ờ, không chuẩn thì có sao đâu. Ví như tiếng Việt cũng có nhiều giọng, mình nói giọng Quảng thì cũng có làm sao đâu, độ cute cũng đâu có bớt đi, phải hơm… Sau một thời gian, mình thấy khá thích giọng Sing, nghe khá là dễ thương 😄.
…
Thôi cũng dài rồi, hẹn phần khác tám tiếp 😉