Tản Mạn: Những Trăn Trở Nghề
Nhiều người thấy mình dạo này có vẻ chill, chơi môn này môn nọ, tham gia thử thách này thử thách kia, tưởng rằng mình đang tận hưởng cuộc sống. Nhưng thật ra mình, cũng như bao người khác, luôn có những trăn trở nhất định. Bỏ qua những trăn trở về gia đình và cuộc sống riêng tư, nay mình xin trải lòng với mọi người những trăn trở của mình về nghề nghiệp.
…
Đầu tiên, ai cũng có những trăn trở nhất định trong công việc và cuộc sống. Mỗi người có những trăn trở khác nhau tuỳ thuộc vào hoàn cảnh sống và tính cách cá nhân. Với mỗi người, ở mỗi thời điểm khác nhau lại có những trăn trở khác nhau. Do đó, những gì mình sắp chia sẻ sau đây không hẳn là những trăn trở ở thời điểm hiện tại, mà được tích góp theo thời gian. Có những cái giờ đã ổn thoả, có những cái mới phát sinh, và cũng có những cái trước giờ vẫn như vậy.
Tính Chất Công Việc
Sau một thời gian làm iOS, mình bắt đầu thấy iOS quá nhỏ bé. Thật tình mình thấy dành 1 tiếng đồng hồ để code một cái UI nọ hay một cái animation nào đó thật là lãng phí. Trong team hiện tại, có rất nhiều thứ để làm. Không chỉ có code iOS mà còn có những sáng kiến (initiatives) khác. Mình cũng thi thoảng làm những việc phục vụ cho kỹ sư, có ảnh hưởng (impact) đến nhiều người, nhưng những công việc này thường mang tính thời vụ. Còn đối với công việc chính (iOS), về mặt bản chất, vẫn gắn liền chặt chẽ với giao diện người dùng, và bị giới hạn rất nhiều bởi những hạn chế của platform và ngôn ngữ.
Một điểm mình không thích ở iOS development nói chung và mobile development nói riêng là công việc đòi hỏi phải thảo luận, tương tác nhiều với các bên liên quan. Mình mà thấy thảo luận đi, thảo luận lại một cái là rất dễ nổi sùng. Khi xưa, mỗi lần như vậy là ai nhìn vào cũng thấy rõ mình “nộ khí xung thiên”. Có lần sếp cũng nhắc khéo về chuyện này trong 1-1. Giờ nhờ COVID, không gặp nhau nên người ta cũng không nhìn thấy cái bản mặt nhăn nhó của mình nữa… Hiện tại mình xin né bớt những việc đòi hỏi thảo luận cross-team nhiều, và ưu tiên những việc mang tính chất làm việc độc lập nhiều hơn.
…
Thật ra cái mà mình trăn trở nhất là liệu có nên chuyển sang một công việc khác hay không. Mình không sợ không làm được cái khác, vì cái gì từ từ học rồi cũng được thôi. Nhưng khi cân nhắc những gì đang có ở hiện tại thì cũng chưa mạnh dạn ra quyết định được.
Định Hướng Công Việc
Cứ 2 tuần là mình 1-1 với sếp một lần. Hồi trước, sếp hay hỏi “định hướng công việc của em trong tháng tới/quý tới/nửa năm tới như thế nào?”. Mỗi lần được hỏi vậy mình đều lúng túng không biết trả lời thế nào. Thậm chí ngay cả khi biết trước sếp sẽ hỏi như vậy, mình cũng chẳng biết chuẩn bị một câu trả lời vừa thuyết phục được bản thân, vừa khiến sếp an lòng. Câu trả lời phổ biến nhất của mình là: “làm tốt những việc mà mình đang làm”. Có lẽ vì cục diện cứ như vậy hoài nên dạo này sếp ít lôi câu này ra hỏi.
Năng Lực Cá Nhân
Mình không cho rằng năng lực làm việc của mình kém cỏi. Chỉ là so với những lớp trẻ sau này thì khả năng am hiểu, nắm bắt vấn đề nhanh chóng và độ nhạy bén của mấy bản có phần trội hơn mình. Đồng thời, những thế hệ sau này được đào tạo rất bài bản và có định hướng ngay từ đầu. Vì vậy, những năm đại học của các bạn ấy được tận dụng rất tốt, cũng quy ra được tương đương với kinh nghiệm làm việc (theo một hệ số nào đó). Còn những năm đại học của mình thì đầy mơ hồ, về chương trình học, về công việc tương lai, và cả về năng lực bản thân.
Từ những điều vừa kể, mình luôn nhận thấy năng lực cạnh tranh trong ngành của mình có phần thua kém hơn so với những bạn trẻ. Nhiều người nghe mình than vậy, hay bảo “em hơn tụi nó kinh nghiệm, lo gì!”. Ừm đúng vậy, nhưng hiện tại mình không dùng kinh nghiệm để làm thước đo cốt lõi cho năng lực cạnh tranh. Giữa 1 năm với 3 năm thì còn khác biệt, chứ giữa 5 năm với 7 năm thì mình thấy cũng không khác nhiều.
Chính vì vậy, để giữ vững và nâng cao năng lực bản thân, mình đầu tư nhiều hơn vào phương pháp làm việc. Những ai đang làm việc chung với mình thì sẽ nhận thấy sự chuyển dịch trong cách thức làm việc của mình: copy các mô tuýp làm việc học thuật vào trong công việc. Dĩ nhiên với những ai làm việc trong môi trường học thuật thì đây chẳng là cái đinh gì. Nhưng trong cái thế giới iOS bé tẹo, khi người ta đua nhau tìm hiểu những công nghệ xa xỉ, làm những cái animation lung linh, thì cái gốc rễ này lại ít được chú trọng… Mình thì tâm niệm là, giả sử mốt chán iOS, chuyển qua học cái khác thì hy vọng với cái gốc này, mình có thể bắt đầu dễ dàng hơn chút xíu.
Phát Triển Bản Thân
Nghiệp Vụ
Mình nghỉ công ty đầu tiên vì không có nhiều thứ làm, để có thể nâng cao nghiệp vụ bản thân. Còn ở công ty hiện tại thì… bao việc luôn 😂. Dễ có, phức tạp có, rõ ràng có, không rõ ràng (tức là đòi hỏi research để làm nó rõ ràng hơn) cũng có. Cho nên mình thấy ở hiện tại, mức độ phát triển nghiệp vụ bản thân ở Grab là khá ổn, và cũng sẽ ổn trong 1-2 năm tới (nếu còn ở lại).
Kỹ Năng
Cái này chủ yếu tuỳ thuộc vào cá nhân mỗi người.
Mình thì không hảo giao tiếp, nhưng cũng chưa muốn đầu tư phát triển kỹ năng này cho lắm.
Có một điều mình luôn canh cánh là khả năng ngoại ngữ của bản thân. Mặc dù sống và làm việc ở Sing được hai năm rưỡi, nhưng mình thấy tiếng Anh của mình không khá hơn bao nhiêu, và ngày càng có xu hướng Vietlish. Thứ nhất, là kỹ sư, mình ít sử dụng ngôn ngữ nói với đồng nghiệp. Điều này khá dễ hiểu vì tụi kỹ sư rất hạn chế làm gián đoạn người khác nếu không cần thiết. Đang code mà có đứa nào quay qua hỏi là bao nhiêu tinh tuý code trong đầu chuẩn bị được viết ra đều bay đi mất. Một lý do thứ hai là team hiện tại của mình khá nhiều người Việt. Mình không có ý chê bai người Việt. Thực tế là kỹ sư Việt bên này làm khá giỏi. Tuy nhiên việc team có nhiều người Việt đôi khi khiến mình đặt dấu chấm hỏi về mức độ phát triển ngoại ngữ của bản thân. (Mấy anh chị em có đọc tới đây thì… mốt em/anh mượn tửu trà tạ lỗi sau).
Môi Trường Làm Việc
Khi nhắc đến môi trường làm việc, người ta nghĩ ngay đến sếp, đồng nghiệp, và văn hoá làm việc của team (team culture).
Về sếp thì chắc mình không có gì phàn nàn. Trước giờ đi làm đều gặp sếp tốt, tử tế, không hề mạt sát, thái độ này nọ với cấp dưới (như ở 1 số nhóm ngành khác). Có lẽ đây cũng là một điểm cộng của nhóm ngành CNTT nói chung.
Về đồng nghiệp, qua mấy công ty mình làm thì đều luôn có những người làm việc hợp và những người làm việc không hợp. Một team mà 80% số người làm việc hợp với mình là quá lý tưởng (trừ khi team đó nhỏ). Đây là yếu tố ngoài tầm ảnh hưởng của bản thân nên mình không có cách gì hơn ngoài việc chấp nhận sự thoả hiệp này với một ngưỡng chấp nhận x%. Tuy nhiên một điều đáng buồn là “people come and go”. Ngay cả sếp cũng có thể đi bất cứ lúc nào mà. Nếu báu víu vào tiêu chí “đồng nghiệp tốt” thì e không ổn lắm. Ấy là khi mình đặt niềm tin vào team culture.
Lần trước, lúc xin nghỉ mình nói với chị lead là “em cảm thấy không còn fit với văn hoá làm việc của team”. Và như các bạn thấy ở những post trước, mình luôn nhắc về việc cảm thấy may mắn khi join vào được team trẻ, năng động, sếp tốt, đồng nghiệp giỏi. Sau một thời gian làm việc, mình nhận thấy team vẫn trẻ và năng động, sếp vẫn tốt, đồng nghiệp vẫn giỏi và ngày càng giỏi. Nhưng mình lại lắm lúc thấy unhappy. Không chỉ bởi vì tính chất công việc khiến mình không hài lòng, mà có vài lần mình cảm thấy là mình không còn fit với team, và đây là cội nguồn của vấn đề.
Nếu xem xét cặn kẽ hơn, culture fit là trạng thái dung hoà giữa team culture và personal culture. Như vậy khi culture không còn fit có nghĩa là team culture thay đổi, hoặc personal culture thay đổi, hoặc cả hai đều thay đổi.
Personal culture thay đổi thì hẳn là do bản thân thay đổi rồi. Có thể do những nhu cầu ban đầu khi join team đã được thoả mãn, và mình bắt đầu phát sinh những nhu cầu khác. Một ví dụ điển hình là, trong 1-2 năm đầu sự nghiệp, đa số mọi người ai cũng ưu tiên cơ hội học hỏi lên hàng đầu. Nhưng khi bước qua năm thứ 3, khi đã nắm rõ hệ thống của công ty trong lòng bàn tay, cơ hội học hỏi không còn quá quan trọng như trước. Thay vào đó, người ta ưu tiên cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, hoặc tìm kiếm những cơ hội học hỏi khác.
Team culture lại được xây dựng và củng cố dựa trên sự hoà hợp giữa personal culture của các team members. (Ở đây nó giống như bài toán con gà - quả trứng vậy). Điều này cho thấy sự quan trọng của số người làm việc ăn ý như đã nêu ở trên.
Một điều đáng lưu ý là team culture sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi company culture hay culture của tổ chức, ban, ngành mà team đó trực thuộc. Bởi vậy khi có những biến chuyển gì trong công ty, trong tech family… là lúc mình để ý xem có cái gì trật quẻ trong culture fit không. Và dĩ nhiên, không quên đi nghe ngóng thêm các team hàng xóm.
Một hệ quả rất dễ nhận thấy của mối quan hệ personal culture - team culture - company culture là: khi team hay công ty bắt đầu grow về mặt số lượng, culture fit bắt đầu lung lay. Mình nhận thấy điều này rất rõ ở công ty hiện tại và công ty trước đó (xin lỗi các đồng nghiệp mến thương nếu bạn đọc đến nhận định chủ quan này :D). Đính chính chút xíu là trong 1 năm trở lại đây thì team mình không grow về số lượng, nhưng các team hàng xóm gần và láng giềng xa thì có. Điều này phần nào ảnh hưởng đến team mình nữa. Ví như trước kia khi có ai submit merge request lên là cả team bay vào review hội đồng. Cả người review và người được review, nhìn chung, đều cảm thấy happy. Code quality được đảm bảo, kỹ sư học hỏi được thông qua code review. Nhưng giờ, khi có nhiều hàng xóm láng giềng, số lượng merge requests tăng quá nhiều và chất lượng của merge requests “không đồng đều”, việc review những work của người khác dần dần trở thành một gánh nặng hơn là cơ hội học hỏi.
…
Thôi, tạm tới đây… Hôm nào rảnh than tiếp…
…
Trong những lần 1-1 với sếp mình cũng hay nêu ra những vấn đề trên và để ngỏ đó chứ cũng chưa có nhiều ý tưởng cải thiện. Chắc có người cho rằng “quản thằng này mệt quá, toàn thấy vấn đề”. Nhưng mình thì nghĩ rằng, trước khi giải quyết vấn đề thì phải ý thức được sự tồn tại của vấn đề. Rồi mới suy nghĩ về nó… Bởi vậy mới gọi là trăn trở…